Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 27/8: Hệ thống Quản lý tiêm chủng Covid-19 thiếu 16,7 triệu mũi; Hơn 45% trẻ từ 5 -12 tuổi ở TP.HCM chưa được tiêm vắc-xin
D.Ngân - 27/08/2022 08:22
Theo Bộ Y tế, đã có hơn 43 triệu người đã được ký xác nhận hộ chiếu vắc-xin và hiện còn hơn 16,7 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống Quản lý tiêm chủng Covid-19.

Sẽ nhập 16,7 triệu mũi tiêm còn thiếu lên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 trước ngày 10/9

Theo báo cáo nhanh hàng ngày số lượng mũi tiêm thực hiện của các địa phương, cả nước đã tiêm được 251.680.004 mũi vắc-xin Covid-19 .

Tuy nhiên, trên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 mới ghi nhận thông tin tiêm chủng của  người dân tương ứng với 234.897.454 mũi tiêm. Như vậy, qua rà soát hiện còn hơn 16,7 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống.

Ảnh minh hoạ

Về kết nối, chia sẻ, xác thực dữ liệu về tiêm chủng Covid-19 với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết hiện vẫn có khoảng 37 triệu mũi tiêm vắc-xin Covid-19 có mã số CCCD/CMND, nhưng sai thông tin (họ tên, ngày sinh, thông tin khác…) với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an.

Nhằm hỗ trợ các cơ sở tiêm chủng trong việc 'làm sạch' dữ liệu, Bộ Y tế đã thực hiện bàn giao dữ liệu 17 triệu đối tượng, tương ứng với 37 triệu mũi tiêm Covid-19 cần 'làm sạch' dữ liệu cho Bộ Công an để rà soát, đối chiếu dữ liệu và gửi lại Bộ Y tế để cập nhật lên hệ thống.

Trước 10/9, các địa phương phải nhập dữ liệu 16,7 triệu mũi tiêm còn thiếu lên nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19.

TP. HCM có tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp dưới 55%

Tối 26/8, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta, tổng số vắc-xin đã tiêm đến nay là 255.563.861 mũi.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 11 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.066.913, trong đó mũi 1: 9.182.370 trẻ (đạt tỷ lệ 82,4%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (58%); Quảng Nam (55,4%); Bình Thuận (65,5%); TP. Hồ Chí Minh (54,2%); Bình Dương (60,6%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Kon Tum (98,3%); Cần Thơ (99,3%); Cà Mau (97,3%).

Mũi 2: 5.884.543 trẻ (đạt tỷ lệ 52,8%); tăng 0,6% so với ngày trước đó.

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (21,1%); Quảng Nam (19,4%); Đắk Lắk (35,5%); TP. Hồ Chí Minh (31,5%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (81,9%); Sóc Trăng (90,2%); Vĩnh Long (80,5%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 49.873.580 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,1%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Bình Định (56,9%); Khánh Hòa (55,2%); Đồng Nai (52,6%); Đồng Tháp (58,6%); Bình Phước (57,5%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Thanh Hoá (95,6%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 13.822.052 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 73,1%) tăng 0,7 % so với ngày trước đó, trong ngày có 41 tỉnh triển khai với 124.832 người được tiêm.

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (54,6%); Đà Nẵng (45,7%); TP. Hồ Chí Minh (50,4%); Đồng Nai (52,5%); Tây Ninh (53,8%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Hưng Yên (97,2%); Bắc Kạn (96,3%); Lạng Sơn (99,1%).

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.353.762 trẻ (đạt tỷ lệ 50,4%).

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (27,7%); Phú Yên (15,7%); BR-VT (14,7%); Đồng Nai (23%); Bình Dương (22,7%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (88,4%); Quảng Ninh (85%); Sóc Trăng (85,3%).

Hơn 10.000 trẻ đã được phẫu thuật điều trị dị tật khe hở môi-vòm

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM vừa tổng kết chương trình phẫu thuật điều trị toàn diện cho trẻ em mắc dị tật khe hở môi-vòm.

Từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp với Tổ chức nhân đạo điều trị dị tật khe hở môi-vòm lớn nhất thế giới Smile Train phẫu thuật miễn phí cho 10.000 trường hợp trẻ sứt môi, hở vòm miệng.

Tại Việt Nam mỗi năm có 1,5 triệu trẻ chào đời thì khoảng 3.000 trường hợp bị khe hở môi-vòm. Trẻ bị hở môi-vòm thường không bú mẹ được vì dễ bị sặc, phải nuôi dưỡng bằng công cụ hỗ trợ.

Trẻ cũng rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng, còi cọc, chậm lớn, bệnh lý tai mũi họng khiến trẻ nghe kém. Nếu không can thiệp kịp thời, trẻ sẽ kém thể chất lẫn trí tuệ.

Bác sỹ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dị tật khe hở môi-vòm có nguyên nhân do di truyền, môi trường...  với tỷ lệ mắc bệnh là 1%. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh do sự thiếu kết nối của 5 nội mạch trong bào thai.

Việc điều trị trẻ sứt môi-vòm phải có tính toàn diện, sao cho đạt các tiêu chuẩn thẩm mỹ, chức năng ăn uống tốt và giọng nói tròn vành, để các bé có thể trạng khỏe mạnh và sự ổn định tâm lý, tự tin hòa nhập với cuộc sống trong tương lai.

Ngày 26/8, với sự hỗ trợ của Smile Train, Bệnh viện Nhi đồng 1 đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về chăm sóc toàn diện khe hở môi-vòm nhằm điều trị một cách toàn diện nhất, giúp trẻ lấy lại sự tự tin trong cuộc sống, thành công hơn trong tương lai.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng kỷ lục

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng cao kỷ lục, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh là 10.408 ca; trong đó có 623 ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, 123 ca sốt xuất huyết nặng ,trong đó có 8 ca tử vong.

Trong 1 tháng qua, trung bình mỗi ngày, tỉnh ghi nhận 90 ca sốt xuất huyết. Người bệnh chủ yếu trên 15 tuổi chiếm đến 64%.

Địa phương ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất vẫn là thành phố Vũng Tàu với gần 6.000 ca, thị xã Phú Mỹ với 1.004 ca mắc, huyện Châu Đức với 931 ca…. Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 8 ca tử vong do sốt xuất huyết, chiếm 6,5% trên tổng số ca sốt xuất huyết nặng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế, các sở, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác.

Các địa phương huy động các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bản và cộng đồng tham gia các hoạt động, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết; thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng 1 tuần/lần tại khu vực nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng trên địa bàn, đặc biệt là các công trường xây dựng, chợ, các khu nhà trọ; giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng; tổ chức tốt phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Tin liên quan
Tin khác