Đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin sởi
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch Sởi năm 2024.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh tăng tốc tiêm vắc-xin sởi. |
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi đảm bảo kịp thời, hiệu quả và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung.
Cụ thể, đối với các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai theo Kế hoạch của Bộ Y tế tại Quyết định số 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 cần khẩn trương chuẩn bị, tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2024 trên địa bàn theo Kế hoạch.
Căn cứ tình hình dịch sởi tại địa phương, tỷ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ theo quy mô quận/huyện, xã/phường, rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch Sởi trong trường hợp cần thiết và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
Đồng thời thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng.
Theo lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng, chiến dịch tiêm chủng sởi khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện là đối tượng tiêm chủng được mở rộng.
Cụ thể, trước đây chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong chiến dịch thêm này đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ dịch theo bộ công cụ do WHO cung cấp và xác định 18 tỉnh, thành phố với khoảng 100 huyện nằm trong khu vực có nguy cơ. Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm vắc-xin sởi - rubella miễn phí cho các đối tượng này. Dự kiến sẽ tiêm từ tháng 9/2024.
TP.HCM công bố dịch sởi
Theo quyết định số 3547 ký ban hành chiều 27/8, TP.HCM đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm tại TP là dịch sởi. Thời gian xảy ra dịch vào tháng 8/2024. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch trên toàn TP.
Nguyên nhân gây dịch sởi, do vi rút sởi (Polynosa morbillorum) gây ra. Bệnh lây lan qua đường hô hấp từ người sang người.
Các biện pháp phòng, chống dịch cần thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm: Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP, quận, huyện, TP Thủ Đức; phường, xã, thị trấn.
Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.
Thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella, không kể tiền sử tiêm chủng vắc-xin sởi - rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 1 - 5 tuổi đang sống tại TP; có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.
Quyết định công bố dịch sởi cũng giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý; quyết định công bố dịch sởi có hiệu lực kể từ ngày 27/8.
Phục hồi chức năng giảm 30% nguy cơ tử vong do
Bệnh nhân ICU (bệnh nặng, nguy hiểm tính mạng) được tập phục hồi chức năng sớm và hiệu quả, giúp giảm 30% nguy cơ tử vong, biến chứng và thời gian nằm viện.
ThS Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam, Kỹ thuật viên Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho hay, người bệnh được chỉ định nằm phòng ICU (Hồi sức tích cực - Chống độc) thường là đang trong tình trạng nguy kịch hoặc bệnh có nguy cơ trở nặng như suy đa tạng, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, sốc tim, viêm phổi nặng, xẹp phổi, xuất huyết tiêu hóa nặng, hôn mê gan, viêm tụy cấp, suy thận cấp, người bệnh tiểu đường hôn mê.
Các trường hợp chấn thương, đuối nước, điện giật, sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc… cũng thuộc dạng này. Tập phục hồi chức năng sớm trong ICU cần được cân nhắc triển khai khi người bệnh tỉnh lại, vượt qua giai đoạn nguy kịch và có thể vẫn còn nằm trên giường. Điều này giúp người bệnh giảm đau, hồi phục nhanh hơn, giảm thời gian điều trị và hiệu quả điều trị bền vững kéo dài hơn, giảm nguy cơ tái điều trị.
Đồng thời, giảm các biến chứng như xẹp phổi, teo cơ, loét tì đè, biến chứng nghiêm trọng về hô hấp, tim mạch… GS.TS Dale Needham, Giám đốc chương trình chăm sóc tích cực và phục hồi chức năng, Bệnh viện trường Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ, cho biết người bệnh nằm ICU thường cần sự hỗ trợ của máy thở nên ảnh hưởng chức năng hô hấp, hạn chế vận động.
Lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong cơ thể. Trung bình mỗi tuần nằm ICU, người bệnh mất 4-5% khối lượng cơ, yếu cơ, giảm 13-16% chức năng các tạng, suy đa tạng. Khoảng 50% người bệnh nằm ICU trong 12 tháng khó trở lại làm việc như bình thường.
Phục hồi chức năng trong ICU cần kết hợp giữa tập hô hấp, vận động và các chức năng khác, bao gồm các lĩnh vực: Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, công nghệ dụng cụ trợ giúp.
Ví dụ, với phục hồi chức năng giao tiếp và nuốt ở bệnh nhân ICU mở khí quản, Tiến sĩ Charissa, Đại học Melbourn (Úc) cho biết ngôn ngữ trị liệu trong ICU giúp tái định hướng lại luồng khí của bệnh nhân thông qua đường thở trên.
Nhờ đó, thúc đẩy tái nhạy cảm hóa vùng thanh quản của bệnh nhân; cải thiện chức năng sử dụng dây thanh và khả năng tự bảo vệ đường thở và nuốt; cải thiện cách bệnh nhân xử lý dịch tiết, như cách nói chuyện, ho; hỗ trợ cai ống và ăn qua đường miệng.
Ngoài ra, ngôn ngữ trị liệu phục hồi chức năng trong ICU còn giải quyết vấn đề về giao tiếp. Giúp bệnh nhân thể hiện tính tự chủ về bản dạng, bày tỏ nhu cầu và cùng nhân viên y tế tham gia vào quá trình ra quyết định điều trị.
Các bác sỹ cũng đã chỉ ra những lợi ích của việc sử dụng máy oxy dòng cao HFNC trong điều trị cho bệnh nhân ICU. Tại ICU, người bệnh càng tăng thời gian thở máy thì nguy cơ tử vong càng cao.
Sử dụng máy HFNC giúp cải thiện tình trạng suy hô hấp cho bệnh nhân, cải thiện oxy máu, nồng độ oxy hít vào cải thiện 100%; độ ẩm hít vào 100%, cải thiện hoạt động của lông mao, biểu mô đường thở, tăng thải chất nhầy… Nhờ đó, giảm được nhiều nguy cơ.
Các chuyên gia khẳng định phục hồi chức năng sớm trong ICU rất quan trọng, tuy nhiên tiêu chí an toàn của người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu.
Người bệnh cần được đánh giá khả năng đáp ứng tập luyện với sự hội chẩn của đa chuyên khoa liên quan. Nếu đáp ứng tập và trong suốt quá trình tập, người bệnh cần được kiểm tra, điều chỉnh mức độ tập phù hợp hàng ngày.
Người bệnh có thể tập từ đơn giản đến nâng cao. Tùy mức độ, có thể tập tại giường với các động tác cơ bản, tập tay, tập gậy, tập cử động chân có kháng lực, thậm chí chơi game giúp cải thiện các chức năng phối hợp. Các chương trình tập với thiết bị, máy móc chuyên dụng sẽ được triển khai với sự phối hợp giữa các chuyên gia ICU và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu.