Dịch sởi tăng cao, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương chống dịch
Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2495/QĐ-BYT về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2024 trong đó có vắc-xin chiến dịch do Chính phủ Australia tài trợ.
Theo Bộ Y tế từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. |
Cùng đó, Bộ Y tế đã ban hành các công văn về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường; công văn về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi cùng với các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh sởi.
Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phươngtheo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch sởi.
Các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Cùng đó, chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.
Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.
Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
TP.HCM: Triển khai tiêm vắc-xin sởi xuyên kỳ nghỉ lễ 2/9
Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai tiêm bổ sung vắc-xin sởi từ ngày 31/8 và tổ chức tiêm xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9.
Ngày 27/8/2024, UBNDTP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B trên toàn Thành phố. Để chủ động phòng, chống và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành và phổ biến đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn và kế hoạch tiêm chủng vắc xin sởi theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Sở Y tế Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 8563/KH-SYT ngày 27/8/2024 về việc mua sắm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella và phân công Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố khẩn trương làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vắc-xin MR.
Đây là vắc-xin đang được Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sử dụng, do Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất. Vắc-xin được mua từ nguồn ngân sách thành phố.
Vắc-xin đang được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ Hà Nội vào TP.HCM và dự kiến đến cuối ngày 30/8/2024, vắc-xin sẽ về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và được phân bổ ngay cho các quận, huyện.
Theo kế hoạch, những người được ưu tiên tiêm trong đợt này là trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi đang sinh sống tại thành phố, không kể tiền sử tiêm chủng, các trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6 tuổi đến 16 tuổi) đang khám điều trị tại các bệnh viện, không kể tiền sử tiêm chủng.
Nhóm trẻ từ 6 - 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vắc-xin, các nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với người mắc sởi, nhân viên y tế chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc-xin có thành phần sởi cũng sẽ được tiêm trong chiến dịch này.
Chương trình sẽ không tiêm vắc-xin MR cho những trẻ đã được tiêm vắc-xin có chứa thành phần sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai chiến dịch (cần có bằng chứng thể hiện trên Phiếu/Sổ tiêm chủng/Phần mềm quản lý Tiêm chủng).
Chiến dịch được triển khai tại tất cả các trạm y tế phường, xã, thị trấn thuộc 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức, cơ sở giáo dục và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức tiêm chủng trên địa bàn Thành phố.
Cứu sống bệnh nhi mắc dị tật tim bẩm sinh phức tạp từ trong bụng mẹ
Bệnh nhi N.M.Đ (12 ngày tuổi, Vĩnh Phúc) điều trị tại khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, được các bác sỹ phát hiện mắc dị tật tim bẩm sinh teo tịt tại van động mạch phổi lành vách liên thất, hở van ba lá mức độ nặng từ trong bào thai.
TS.Trần Đắc Đại, Trưởng Lhoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E chia sẻ về hành trình chữa lành trái tim vô cùng “đặc biệt” này, đây là trường hợp bệnh nhi được phát hiện mắc tim bẩm sinh phức tạp từ khi còn trong bào thai (tuần 26 của thai kỳ) thông qua siêu âm tầm soát.
Sau đó, bé tiếp tục được các bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe trong suốt thai kỳ tại Bệnh viện E (có sự phối hợp theo dõi của các bác sĩ khoa Phụ sản và khoa Tim mạch trẻ em).
Và được các bác sỹ khoa Tim mạch trẻ em, lên phương án can thiệp kịp thời ngay sau sinh với mong muốn con có cơ hội được sống cuộc đời với trái tim lành lặn.
TS.Trần Đắc Đại giải thích, đây là trường hợp bệnh nhi được xếp vào nhóm mắc tim bẩm sinh có tuần hoàn phổi phụ thuộc vào ống động mạch, khi van động mạch phổi teo sẽ gây tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu từ thất phải lên động mạch phổi cùng với sự nguyên vẹn của vách liên thất, khi đó dòng máu cung cấp cho tuần hoàn phổi thông qua sự tồn tại của ống động mạch dẫn máu từ động mạch chủ sang động mạch phổi.
Rất may ở trường hợp người bệnh này, khi tiến hành can thiệp, dù bệnh nhi nặng 3,3 kg, nhưng màng van động mạch phổi mỏng, vòng van đủ lớn để các bác sĩ có thể thuận lợi tiến hành can thiệp nong van động mạch phổi cho bé.
Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, tự thở, hết tím tái… Mẹ bé không giấu được những xúc động với hạnh phúc vỡ òa trong dòng nước mắt khi thấy con khỏe mạnh từng ngày.
Đối với các bệnh nhi mắc tim bẩm sinh, việc chẩn đoán được bệnh trong giai đoạn thai kỳ rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự sống của trẻ khi ra đời. Hiện nay, siêu âm tim thai có thể chẩn đoán được loại bệnh tim bẩm sinh này và đánh giá được các yếu tố tiên lượng nhằm định hướng cho sản phụ kế hoạch kiểm soát thai kỳ một cách chủ động.
TS.Trần Đắc Đại khuyến cáo, các sản phụ nên được theo dõi suốt trong thai kỳ bởi bác sỹ tim mạch chuyên về bệnh tim bẩm sinh và bác sỹ sản khoa có kinh nghiệm nhằm tầm soát hết những nguy cơ cao có thể xảy ra trong thai kỳ và quá trình sinh.
Trong trường hợp không may thai nhi gặp những bất thường, các bác sỹ sẽ tư vấn và giải thích các nguy cơ của mẹ và thai nhi: về tiên lượng bệnh, khả năng giữ thai, kế hoạch theo dõi thai bằng siêu âm nhằm theo dõi tiến triển bệnh; tư vấn sản phụ lựa chọn cơ sở y tế sinh có đủ điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất giúp cấp cứu sơ sinh và sau đó chuyển ngay thai nhi đến cơ sở chuyên khoa tim mạch để theo dõi và đưa ra phương án can thiệp kịp thời…