Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 30/1: Cứu bệnh nhân mắc u não nhờ công nghệ vi phẫu
D.Ngân - 30/01/2024 07:55
Bệnh nhân nữ xuất hiện triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, phát hiện u màng não tại mỏm yên trước, đỉnh hốc mắt bên phải.

Phẫu thuật u não thành công ở vị trí khó

Đây là vị trí nguy hiểm, xung quanh là các cấu trúc dây thần kinh quan trọng, trong phẫu thuật, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Hơn nữa khối u lớn đã xâm lấn xung quanh, nguy cơ chèn ép dây thần kinh II, III, xoang hang, động mạch cảnh trong,… gây giảm thị lực, liệt vận nhãn. Nếu không điều trị sớm, chỉ vài tháng sau người bệnh sẽ bị mù, liệt, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng, TS.Nguyễn Đức Anh, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh nói.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Trước đó, chị Vũ Thị Hương (Vĩnh Phúc) đến khám trong tình trạng đau đầu, hai mắt nhìn mờ. Chị cho biết, tình trạng đau đầu đã diễn ra khoảng hơn 1 tháng nay. Các bác sĩ chỉ định người bệnh chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả cho thấy chị Hương có khối u màng não ×3 cm tại vị trí mỏm yên trước, đỉnh hốc mắt phải. Khối u đã lan vào ống thị giác.

Chị Hương được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy khối u não dưới sự hỗ trợ của kính vi phẫu và hệ thống định vị thần kinh (Neuro Navigation). Bác sĩ lựa chọn phẫu thuật đường chân tóc trán thái dương và dùng dụng cụ khoan mài mỏm yên trước để dễ dàng tiếp cận vùng đỉnh hốc mắt và nền sọ.

Cách tiếp cận này vừa giúp các bác sĩ có được vị trí tốt nhất để xử lý toàn bộ khối u, đảm bảo an toàn cho các cấu trúc xung quanh, vừa đạt được yêu cầu thẩm mỹ của người bệnh bởi vết mổ sẽ được tóc che phủ hoàn toàn sau mổ.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm và trình độ chuyên môn cao, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại của BVĐK Tâm Anh, các bác sĩ thành công loại bỏ toàn bộ khối u sau 4 tiếng. Người bệnh bảo tồn được các tổ chức dây thần kinh lân cận. Hai ngày sau mổ, chị Hương tỉnh táo, tự chăm sóc bản thân tốt và xuất viện sau một tuần. Với kết quả giải phẫu bệnh u màng não độ I, ca phẫu thuật này đã thành công điều trị triệt căn khối u.

Phẫu thuật u não nền sọ là một trong những kỹ thuật khó và phức tạp. Các bác sĩ kết hợp dùng kính vi phẫu và hệ thống định vị thần kinh thế hệ mới nhất (Neuro Navigation). Hệ thống này vừa giúp phóng đại phẫu trường vừa xác định rõ khối u so với các cấu trúc quan trọng khác.

Từ đó, giúp các bác sĩ quan sát rõ ràng khối u, các dây thần kinh và mạch máu xung quanh, thao tác tỉ mỉ, chính xác, hạn chế gây tổn thương mô lành, ít mất máu, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế tối đa biến chứng. Kỹ thuật đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu của phẫu thuật viên, sự chính xác tuyệt đối trong thao tác và kỹ năng xử lý nhanh nhạy trong mọi tình huống.

TS.Đức Anh cho biết, cấu trúc của não bộ rất phức tạp. Mỗi dây thần kinh đều có vai trò quan trọng trong việc vận hành cơ thể. Do vậy, mọi thao tác phẫu thuật chuyên sâu đều cần thực hiện dưới kính hiển vi dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị dẫn đường. Theo tiến sĩ Đức Anh, hệ thống định vị dẫn đường Neuro Navigation là một bước tiến của y học trên thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh.

Hệ thống này với đầu dò thông minh và bộ vi xử lý tối tân giúp các bác sĩ định hướng không gian, cấu trúc giải phẫu vùng tổn thương. Sự kết hợp này hiện chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế đáp ứng đủ yếu tố trình độ chuyên môn và hệ thống trang thiết bị hiện đại.

U màng não chiếm 20% u nội sọ nói chung. Trong đó, 11.9-17% là u màng não ở cánh nhỏ xương bướm, phân nửa trong số này là u màng não mỏm yên trước.

Đa số u màng não là lành tính, tỷ lệ ác tính dưới 20%, có thể điều trị khỏi nếu người bệnh được phẫu thuật cắt triệt để khối u. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị triệt căn, nhất là những khối u màng não nền sọ, liên quan với nhiều cấu trúc mạch máu, thần kinh quan trọng.

Nếu cố cắt u triệt để sẽ nguy hiểm đến tính mạng cũng như để lại nhiều di chứng và thương tật. Trường hợp của chị Hương, may mắn người bệnh được phát hiện sớm, đội ngũ bác sĩ giỏi cùng sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại đã giúp người bệnh loại bỏ hoàn toàn khối u.

U não nền sọ là bệnh lý thần kinh phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không được điều trị, bệnh để lại nhiều di chứng thần kinh nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, người bệnh nên tới chuyên khoa thần kinh tại các cơ sở y tế sở hữu phương tiện chẩn đoán hiện đại thấy rõ cấu trúc của khối u và các tổ chức dây thần kinh xung quanh. Từ đó đưa ra những phương án điều trị phù hợp, hiệu quả.

Phẫu thuật thành công thêm 2 trường hợp gãy xương đùi cho 2 cụ bà trăm tuổi

Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật thành công thay khớp háng bán phần cho 2 cụ bà 105 tuổi và 97 tuổi. Trong đó, ca bệnh 105 tuổi là một trong những trường hợp người bệnh cao tuổi nhất từ trước đến nay được phẫu thuật tại Bệnh viện.

PGS-TS.Nguyễn Mạnh Khánh cho biết: Khi chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cả 2 cụ bà đều trong tình trạng tỉnh táo, chân đau nhiều, sưng nề do bị tai nạn sinh hoạt, ngã tiếp xúc hông xuống mặt cứng. Ngay sau khi tiếp nhận, chuyên gia đã cho người bệnh thực hiện các chỉ định X-Quang, siêu âm,... và chẩn đoán bệnh nhân V.T.S (105 tuổi, Tuyên Quang) bị gãy cổ xương đùi và bệnh nhân N.T.N (97 tuổi, Hưng Yên) bị gãy xương đùi.

Sau khi trao đổi với gia đình về tình trạng sức khỏe của người bệnh và hội chẩn các khoa, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cùng ekip đã tiến hành phẫu thuật cho 2 cụ bà bằng phương pháp thay khớp háng bán phần, sử dụng đường mổ nhỏ, ít xâm lấn giúp hạn chế tổn thương, người bệnh ít đau đớn và nhanh hồi phục hơn.

Hai ngày sau ca phẫu thuật thành công, nhờ công tác chăm sóc sau mổ được thực hiện tốt, cả 2 người bệnh đều đã nhanh chóng hồi phục. Hiện tại, tình trạng 2 cụ bà tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, giảm các cơn đau và tập ngồi dậy, dự kiến người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng sớm và tập vận động các khớp lân cận.

Gãy cổ xương đùi là một tai nạn hay gặp ở người cao tuổi, chủ yếu là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất. Phẫu thuật thay khớp háng hiện là phương pháp điều trị tối ưu đối với những ca gãy cổ xương đùi do chấn thương, giúp phục hồi chức năng vận động.

Đây là kỹ thuật khó, được triển khai chủ yếu ở các bệnh viện lớn, có đội ngũ chuyên gia về ngoại khoa dày dặn kinh nghiệm cùng các trang thiết bị máy móc hiện đại, PGS-TS.Nguyễn Mạnh Khánh Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật CT và Y học thể thao chia sẻ thêm.

Lại thêm nhiều người tử vong vì ngộ độc khí CO

Lãnh đạo UBND xã An Hà, huyện Lạng Giang, Bắc Giang cho biết, sáng cùng ngày, UBND xã nhận được thông tin có ba người trong cùng gia đình tử vong trên địa bàn.

Các nạn nhân tử vong gồm: Anh Đ.V.N (SN 1984), chị P.T.V (SN 1983, vợ anh N) và cháu Đ.V.Đ (SN 2019, con trai của anh N, chị V).

Các nạn nhân được phát hiện tử vong trên giường, trong phòng ngủ rộng hơn 10m2 kín cửa, phía dưới nền có một chậu than củi đã cháy hết. Bước đầu chính quyền địa phương xác định có thể các nạn nhân đốt than để sưởi chống rét sau đó bị ngộ độc khí than dẫn đến tử vong.

Được biết, gia đình anh N kinh doanh dịch vụ ăn uống; ngoài ba nạn nhân, trong ngôi nhà còn có mẹ anh N và một cháu gái nhưng hai người này đều an toàn do ở phòng khác.

Hiện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang và Công an huyện Lạng Giang cùng các cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường, tử thi để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Nói về nguy hiểm của ngộ độc CO, TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng.

Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào trạng thái tử vong.

Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, khí CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và cướp mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Chuyên gia cảnh báo khi hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.

Do đó, chuyên gia chống độc khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt củi, đốt than để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng.

Để tránh hệ lụy đáng tiếc, chúng ta chỉ dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm trong điều kiện ngoài trời hoặc phòng thoáng khí, có mở cửa hoặc ô thoáng để thông khí.

Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc.

Đồng thời, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh cần hà hơi, thổi ngạt, ép tim. Thời gian tách khỏi khí CO càng sớm, người bệnh càng có cơ hội sống, hồi phục. Còn hôn mê quá lâu do khí CO, não thiếu oxy sẽ để lại những di chứng lâu dài về thần kinh.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi thời tiết chuyển lạnh, người dân thay vì sử dụng than, củi để sưởi ấm trong phòng thì có thể sử dụng nhiều biện pháp giữ ấm khác như che chắn kỹ các phòng; chăn đệm, trang phục phải đủ ấm, chắn được gió lùa...; dùng đèn sưởi, quạt sưởi.

Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không khí trong lành để kịp thời bổ sung oxy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Tin liên quan
Tin khác