Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 5/7: Cảnh giác độc tố của kiến ba khoang
D.Ngân - 05/07/2024 08:31
Độc tố pederin của kiến ba khoang cái có mức độ gây bỏng cao gấp 100-150 lần so với acid sulfuric; làm phồng rộp, lở loét trên da, thậm chí làm bỏng võng mạc nếu tiếp xúc với mắt.

Cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm do kiến ba khoang đốt

Đầu mùa mưa hằng năm là thời điểm kiến ba khoang bắt đầu xuất hiện nhiều. kiến ba khoang (tên khoa học Paederus fuscipes) là loại côn trùng phổ biến ở vùng nhiệt đới, ưa ẩm thấp, thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa. Kiến ba khoang thường dài khoảng 0,8-1,2cm, trên thân có màu đen-vàng cam xen kẽ.

Độc tố pederin của kiến ba khoang cái có mức độ gây bỏng cao gấp 100-150 lần so với acid sulfuric; làm phồng rộp, lở loét trên da, thậm chí làm bỏng võng mạc nếu tiếp xúc với mắt.

Trong cơ thể của kiến ba khoang cái có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, bỏng da, viêm da. Pederin trong người kiến cái được lưu chứa trong khoang bụng, dùng để bảo vệ trứng của chúng trước các loài thiên địch trong tự nhiên.

Độc tố pederin có mức độ gây bỏng cao gấp 100-150 lần so với acid sulfuric. Khi ta vô tình chạm phải hay chà xát cơ thể kiến ba khoang, chất độc sẽ tiết ra gây viêm da tiếp xúc. Pederin có thể gây bỏng, phồng rộp, lở loét trên da, thậm chí làm bỏng võng mạc nếu tiếp xúc với mắt.

Vết thương gây đau rát, ngứa ngáy, dễ lây lan nếu tiếp xúc với vùng da khác trên cơ thể. Nếu được điều trị, vết bỏng do kiến ba khoang gây ra thường lành sau khoảng 1 tuần, tuy nhiên, sẹo thâm có thể lưu lại trên da nhiều tháng.

Do kiến ba khoang không gây đau khi tiết độc, nên vết thương thường chỉ được phát hiện khi đã có triệu chứng như da ngứa rát, mẩn đỏ hoặc nổi mụn nước.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Nguyễn Anh Thư, Khoa Da liễu-Thẩm mỹ Da, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM lưu ý 3 phương pháp để giảm tác hại tối đa của kiến ba khoang.

Đầu tiên, nếu phát hiện kiến ba khoang trên cơ thể, người dân nên nhẹ nhàng loại bỏ chúng khỏi da. Tuyệt đối không dùng tay chạm trực tiếp hoặc tác động mạnh lên kiến ba khoang.

Nếu chúng bị kích thích, chất độc sẽ được tiết ra nhiều hơn, gây thương tổn nặng hơn trên da. Thay vào đó, bạn có thể thổi hoặc lót một tờ giấy để kiến ba khoang bò lên, sau đó loại bỏ chúng khỏi da.

Sau đó, lau, rửa vùng da tiếp xúc với kiến ba khoang bằng nước muối sinh lý, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Một cách xử lý khi bị kiến ba khoang đốt hữu hiệu khác là rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch nhiều lần. Nên rửa nhẹ nhàng để tránh gây đau và làm lây lan vết thương.

Cuối cùng, nếu thấy vết thương có dấu hiệu phồng rộp, lở loét, mưng mủ, người bệnh không nên tự ý bôi đắp các loại lá cây hoặc các loại thuốc không rõ thành phần. Người bệnh cần đến các cơ thể y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ban đầu khi bị đốt, da sẽ có cảm giác ngứa ngáy hoặc râm ran nhẹ. Sau 6-8 giờ, vết thương sẽ nổi mẩn đỏ, có thể kèm theo cảm giác ngứa ngáy.

Cách hiệu quả để xử lý khi bị kiến ba khoang đốt ở giai đoạn này là vệ sinh vết thương với nước muối sinh lý, xà phòng và nước sạch. Sau đó, người bị thương có thể bôi thêm dung dịch kẽm oxit bôi da để làm dịu vùng da bị tổn thương, giảm triệu chứng ngứa rát, đỏ da.

Nếu vết đốt không được xử lý trước đó, sau 12-24 giờ, vết thương do kiến ba khoang gây ra sẽ xuất hiện các thương tổn điển hình như phồng rộp, mụn nước do bỏng, đau rát, có thể kèm theo ngứa ngáy, khó chịu. Nên vệ sinh vết thương nhẹ nhàng, sau đó dùng thêm kẽm oxit hoặc thuốc kháng khuẩn. Trong thời gian này, hạn chế để vùng da tổn thương tiếp xúc với vùng khác trên cơ thể.

Nếu xử lý khi bị kiến ba khoang đốt từ sớm, những tổn thương thường bắt đầu lành lại sau 3 ngày. Triệu chứng nóng, rát, bỏng rộp cũng giảm nhẹ. Tuy nhiên, vẫn nên duy trì vệ sinh nhẹ nhàng và tiếp tục bôi thuốc để hạn chế sự lây lan, giúp vết thương mau lành hơn.

Từ 5-7 ngày sau khi bị đốt, vết thương sẽ lành và bắt đầu bong vảy. Những vết thương lớn, triệu chứng nặng, có thể để lại vết thâm lên đến nhiều tháng.

Nếu sau vài ngày điều trị tại nhà mà tình trạng vết thương không thuyên giảm, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế. Không nên tự ý đắp, bôi các loại thuốc dân gian vì có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng, khiến triệu chứng nặng hơn.

Người bệnh cần đến các cơ sở y tế nếu vết thương lan rộng, nhiễm trùng hoặc có triệu chứng nặng.

Kiến ba khoang thường sống ở khu vực ẩm ướt, bị thu hút bởi ánh sáng nhân tạo, nơi có vị trí cao. Để phòng ngừa kiến ba khoang xuất hiện tại nơi ở, có thể áp dụng những phương pháp như: Vệ sinh phòng sạch sẽ, thoáng mát; nên giũ mạnh quần áo trước khi mặc; luôn ngủ trong mùng, kiểm tra giường, gối trước khi ngủ.

Không đứng dưới nơi có ánh sáng mạnh, hạn chế sử dụng đèn huỳnh quang trong thời điểm xuất hiện nhiều kiến ba khoang. Gắn rèm cửa hoặc lưới chống côn trùng ở khu vực cửa sổ, lỗ thông gió nếu khu vực sống có nhiều kiến ba khoang.

Mắc sán lá phổi vì nguyên nhân ít ngờ

Bệnh viện Đặng Văn Ngữ vừa tiếp nhận một bé trai 7 tuổi (Tuyên Quang) đến viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, có tổn thương phổi. Sau thăm khám, bất ngờ phát hiện trẻ mắc sán lá phổi.

Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một 1 bé trai 7 tuổi, được chẩn đoán mắc sán lá phổi. Vài tháng trước, bé trai này có các triệu chứng đau đầu, nôn được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện tỉnh.

Sau đó, bệnh nhi đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị do nghi ngờ có tổn thương tại não. Bệnh nhi đã được chụp chiếu, làm một số xét nghiệm và phát hiện tổn thương tràn dịch màng phổi. Sau đó trẻ đã được điều trị tràn dịch màng phổi ổn định và xuất viện.

Tuy nhiên gần đây, em tiếp tục có biểu hiện đau tức ngực, khó thở nên gia đình đưa đi khám tại bệnh viện tỉnh và được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Kết quả khám, xét nghiệm, chụp phim bé trai được chẩn đoán sán lá phổi.

Theo bác sĩ Hách, người nhiễm sán lá phổi thường có triệu chứng ho nhiều, khạc đờm, đờm kèm máu, có thể có tức ngực, khó thở. Điều này khiến cho bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản... Bệnh nhân nhiễm sán lá phổi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề tại phổi.

Bệnh sán lá phổi được xác định lưu hành ở một số tỉnh phía Bắc: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An...

Chu kỳ phát triển của sán lá phổi từ sán lá phổi đẻ trứng, trứng theo đờm qua họng ra ngoài hoặc theo phân khi nuốt đờm, trứng rơi xuống nước.

Ở môi trường nước trứng phát triển và nở ra ấu trùng lông. Ấu trùng lông chui vào ốc để phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước, xâm nhập vào tôm cua nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ở trong thịt và phủ tạng của tôm, cua.

Người (hoặc động vật) ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như: cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống thì sau khi ăn: Ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.

Để phòng bệnh sán lá phổi, bác sĩ khuyến cáo người dân luôn ăn chín, uống sôi. Để phòng trừ bị sán lá phổi, tuyệt đối không ăn cua hoặc tôm chưa nấu chín; Quản lý chất thải như đờm, phân hoặc dịch màng phổi, giữ vệ sinh môi trường; Giải quyết mầm bệnh bằng cách phát hiện sớm và điều trị đặc hiệu cho người bệnh.

Tin liên quan
Tin khác