Hội nghị Trung ương 6 vừa ra Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội cũng vừa dành trọn ngày đầu tuần này để thảo luận tại nghị trường về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Thực tế, bộ máy hệ thống chính trị cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đã được nhắc đến từ khá lâu.
. |
Ngay từ năm 2007, Hội nghị Trung ương 4, Khóa X đã ban hành nghị quyết về vấn đề này (Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 9/2/2007).
Từ đó đến nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt nghị quyết, kết luận, luật, nghị định, quyết định, đề án nhằm thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng quan liêu, trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với những yêu cầu cụ thể như “ra hai vào một” (tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế đã tinh giản, nghỉ hưu hoặc thôi việc); ấn định số cấp phó; giảm đầu mối trong các cơ quan hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công…
Song dường như càng tinh giản, bộ máy càng phình to, càng tinh giản thì số người hưởng lương ngân sách nhà nước càng tăng. Cụ thể, không kể đơn vị sự nghiệp công mà đa phần vẫn được ngân sách nhà nước “nuôi”, ở cấp bộ ngành, số đơn vị trực thuộc hiện tại đã tăng thêm 67 đơn vị so với thời điểm trước tháng 7/2011; cấp tỉnh cũng “kịp” thành lập thêm 35 đơn vị trực thuộc.
Thực hiện tinh giản biên chế suốt từ năm 2011 đến nay, nhưng hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương giảm được đúng 6.924 biên chế, trong đó 87,6% số biên chế giảm được là do… về hưu, số còn lại hầu hết là tự thôi việc. Có nghĩa, biên chế giảm một cách cơ học, nên việc nâng cao chất lượng nhân lực trong cơ quan công quyền chưa có nhiều chuyển biến.
Điều đáng nói nữa là để phục vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, tính đến đầu năm 2017, các bộ ngành, địa phương đã ký trên 19.000 hợp đồng lao động làm một số loại công việc ngoài chuyên môn, nghiệp vụ. Nghĩa là, biên chế có giảm, nhưng số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn tăng. Để nuôi bộ máy này, hàng năm, ngân sách nhà nước phải dành một khoản tiền không nhỏ chi trả lương, phụ cấp cho công chức xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác hiện khoảng 2 triệu người, tức là bình quân cứ khoảng 45 người dân có 1 “cán bộ”. Đây là “đội quân” khá hùng hậu.
Vấn đề đặt ra là đội ngũ này đáp ứng ra sao yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp? Theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, thì 66% doanh nghiệp cho biết phải nhờ đến “mối quan hệ” mới tiếp cận thông tin, tài liệu pháp lý và thông tin quy hoạch; 66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho các cơ quan nhà nước (tăng 2% so với năm 2014 và tăng 16% so với năm 2003).
Số liệu trên cho thấy, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị nói chung càng nhiều tầng nấc thì hiệu lực, hiệu quả càng giảm. Và với cách tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay sẽ triệt tiêu hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính, khó thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, Kế hoạch Tài chính trung hạn bởi chi thường xuyên lớn, không còn nguồn để đầu tư phát triển.
Nhìn rõ nguy cơ này, Nghị quyết 18-NQ/TW đã đặt mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015... Thủ tướng Chính phủ cũng đưa yêu cầu cụ thể, theo đó giai đoạn 2016-2021, mỗi năm các bộ ngành, địa phương phải giảm từ 1,5 đến 2% số công chức, viên chức so với số biên chế được giao năm 2015; Chính phủ sẽ xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nếu không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế.
Mục tiêu đặt ra rất rõ ràng, nhưng giảm đầu mối nào, đối tượng nào thuộc diện giảm biên chế sẽ không đơn giản, bởi nó động chạm đến con người, đến các mối quan hệ chằng chịt giữa người bị giảm biên chế, người tự nhiên bị mất chức do giảm đầu mối với người có thẩm quyền.
Vẫn biết, tinh giản bộ máy và biên chế là vô cùng phức tạp, nhạy cảm, nhưng khó vẫn phải làm, phải quyết tâm thực hiện bằng được nếu Việt Nam không muốn tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.