PGS-TS. Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương |
Dư luận xã hội cho rằng, 1/3 số công chức hiện nay “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, bởi thế việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước là cơ hội để tinh giản bộ máy, thưa ông?
Năm 2013, Quốc hội đã lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ công chức. Tôi còn nhớ, khi cho ý kiến vào Báo cáo giám sát tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã truy đến cùng xem có đúng là “1/3 công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về” không. Nhưng không có câu trả lời rõ ràng.
Không dừng lại ở đó, tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ vào tháng 6/2015, một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ rằng, trong 2 năm, số công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” có giảm hay không? Rất khó để trả lời câu hỏi ngắn gọn này, vì muốn đánh giá thì phải có tiêu chuẩn, định mức để so sánh xem ai làm việc, làm việc thế nào, hiệu quả ra sao.
Trên thực tế, trong quá trình hoạt động, việc tinh gọn bộ máy nhà nước nhằm hoàn thiện tổ chức hệ thống chính trị hiệu lực - hiệu quả được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng sau nhiều năm, Nghị quyết 18/NQ-TW (năm 2017) nhận định, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp.
Cả đời làm việc trong khu vực nhà nước, ông thấy dư luận nhận xét như vậy đúng không?
Tôi có hơn 40 năm công tác trong khu vực nhà nước, trong đó có gần 10 năm làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của một bộ thuộc Chính phủ, sau đó tôi trở thành đại biểu Quốc hội và được phân công làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai nhiệm kỳ, nên đã tiếp tục nghiên cứu về tổ chức bộ máy nhà nước, do đó, tôi có thể khẳng định rằng, chỉ khoảng 30% số công chức làm việc hiệu quả, khoảng 40% số công chức làm việc “tàm tạm”. Còn lại 30% là số có năng lực hạn chế nên thường lãnh đạo cơ quan, đơn vị ít giao việc và dần dần họ trở thành như người thừa trong cơ quan, đơn vị và hàng ngày họ hầu như không biết làm gì.
Thực ra, số công chức này chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đúng nghĩa đối với cơ quan chủ quản của họ thôi, còn thực tế có thể họ tận dụng vị thế, địa vị của cơ quan để “làm ngoài” và vì vậy họ vẫn có tiền để mua nhà, tậu xe.
Lần sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy lần này có thể nói là cuộc “đại phẫu”, là cơ hội để cắt bỏ những gì không cần thiết, không có lợi cho tổ chức, bộ máy nhà nước.
Nhưng chắc chắn là đụng chạm đến rất nhiều người?
Trước đây, chúng ta chưa quyết liệt tinh gọn tổ chức, bộ máy chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nghị quyết 18/NQ-TW nhận định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thiếu kiên quyết, đồng bộ; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thiếu thường xuyên; chưa xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Sáp nhập đụng chạm đến nhiều người, nhất là những người phải rời bỏ công việc, chuyển việc, nghỉ việc. Bỏ qua hạn chế, tiêu cực, trong số những người phải nghỉ việc, chuyển việc, cũng có rất nhiều tâm tư, vì không ít người trong số họ đã làm việc hàng chục năm.
Ông đã từng trải qua tâm tư này?
Đã có thời kỳ, Chính phủ có tới 48 đầu mối, thu gọn dần xuống còn 38 đầu mối và hiện nay còn 30 đầu mối, gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Trong quá trình sắp xếp này, giữa năm 2007, Bộ Thủy sản sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi đó, tôi đang làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Thủy sản, nên được lắng nghe, chia sẻ rất nhiều tâm tư, tình cảm của các anh chị em. Người ở, người đi, người về đều trĩu nặng tâm tư, tình cảm, nhưng sau một thời gian, tất cả mọi người đều ổn định cuộc sống, công việc.
Năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 176-HĐBT về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Có thể nói, đây là cuộc “đại phẫu thuật” lần thứ nhất đối với lao động trong khu vực nhà nước. Khi đó, hàng triệu người làm việc trong các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, mặc dù thu nhập không cao, nhưng ổn định, nên khi phải nghỉ việc cũng rất tâm tư, lo lắng cho tương lai khi không còn việc làm, không có thu nhập ổn định, thường xuyên.
Nhưng sau một thời gian, nhìn chung, những người “về một cục” đều tìm được công việc mới, hoặc tự kinh doanh, có cuộc sống tốt hơn, thu nhập cao hơn. Còn các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế như chúng ta đã thấy.
Nhưng những người “về một cục” theo “chế độ 176” ngày xưa chủ yếu là công nhân lao động giản đơn, còn lần này, công chức, viên chức hầu hết là kỹ sư, cử nhân, nên việc mưu sinh hậu sáp nhập không hề đơn giản?
Khi Bộ Thủy sản sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại sáp nhập Bộ Công nghiệp; ở dưới địa phương các sở cũng sáp nhập theo ngành dọc, hầu hết những người làm ở các bộ, sở, ngành đều tốt nghiệp đại học. Sau sáp nhập, những người không tiếp tục làm việc ở cơ quan nhà nước đều tìm được việc làm mới hoặc tự tạo ra việc làm và đều có công việc, cuộc sống tốt hơn.
Tôi nghĩ, những lần sáp nhập các bộ, cơ quan Trung ương và các sở, ngành ở địa phương trước đây được ví như trận đánh Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Đồng Xoài, Ấp Bắc, Mậu Thân 1968... chúng ta đã chiến thắng và đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Lần sáp nhập, tinh gọn bộ máy lần này được ví như Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chúng ta sẽ chiến thắng vì đã đúc rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và quan trọng không kém là, khác với những lần sáp nhập trước, lần này nguồn lực tài chính đủ lớn, ngoài ngân sách Trung ương, nhiều địa phương còn có nguồn lực để hỗ trợ thêm cho những người phải nghỉ việc do tinh giản biên chế.
Kết luận phiên họp về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc, việc xây dựng chế độ, chính sách phải đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tôi nghĩ, kinh nghiệm đã đủ dày, việc tinh giản biên chế đã được đẩy mạnh từ năm 2017 (thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW), nguồn lực tài chính đủ lớn, công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng, liên tục, nên cuộc “đại phẫu thuật” lần này chắc chắn thành công.
Vấn đề rất tế nhị là bộ máy sau sáp nhập khi 2-3 cục/vụ sáp nhập chỉ còn một đầu mối, thưa ông?
Sau sáp nhập, 2-3 cục/vụ trưởng chỉ còn 1; 6-9 vụ/cục phó chỉ còn 3-4, vấn đề ai lên, ai xuống, ai trưởng, ai phó là việc phức tạp và nhạy cảm, nhất là trong trường hợp các lãnh đạo đều ngang tài, ngang sức, đều có bằng cấp, học vị, được đào tạo bài bản và đều có kinh nghiệm.
Nhìn nhận ra vấn đề này, nên Trung ương đã điều động các bộ trưởng mới (Tài chính, Giao thông, Tài nguyên và Môi trường) đều là những cán bộ rất trẻ để đảm đương những bộ mới sau sáp nhập. Bộ trưởng của các bộ sau sáp nhập còn lại đều đã đến tuổi nghỉ hưu nên không có vấn đề gì, còn những bộ trưởng từ nơi khác về, không quen thân, không “dây mơ rễ má” gì với tất cả cán bộ, công chức trong các bộ sáp nhập, nên sẽ công tâm trong việc bố trí lãnh đạo cấp cục/vụ. Cũng do vừa mới về nên cái nhìn của bộ trưởng sẽ khách quan, không cảm tính, thiên vị.
Dù sao cơ quan hành chính cũng đỡ lo hơn, vì hưởng lương ngân sách nhà nước, trong khi đơn vị sự nghiệp tự chủ thì lại khác?
Đây là vấn đề cũng rất phức tạp, nhất là các cơ quan báo chí. Vì các bộ, ngành sáp nhập thì 3-5 báo về một đầu mối, 5-7 tạp chí về một đầu mối. Nếu hậu sáp nhập mà báo chí không tự chủ được, ít nhất là chi thường xuyên, thì hàng loạt người lao động trong các cơ báo chí phải nghỉ việc, như vậy việc sáp nhập đối với báo chí coi như thất bại.
Tôi còn nhớ, khi còn đương chức Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng chia sẻ, có một thực tế là những người làm ít việc thì đi học, hết bằng cấp nọ đến chứng chỉ kia, nhưng khi bổ nhiệm lại dựa vào bằng cấp, chứng chỉ là thiếu công bằng, vì trên thực tế, bằng cấp, học hàm, học vị không đi đôi với năng lực làm việc, hiệu quả công việc.
Trở lại với việc sáp nhập các cơ quan báo chí, tôi được biết, nhiều tổng biên tập, phó tổng biên tập đã học hết thạc sỹ, tiến sỹ. Không bàn đến có thực học hay không, nhưng tờ báo họ làm lãnh đạo vẫn phải sống dựa vào ngân sách một phần hoặc toàn bộ, tờ báo không hề có uy tín, tên tuổi, dấu ấn gì trong lòng độc giả. Ngược lại, những người có năng lực thật sự, họ chỉ có bằng cử nhân, nhưng đang lãnh đạo tờ báo có uy tín, ngày càng tạo lập được uy tín với độc giả, đời sống người lao động được cải thiện. Khi sáp nhập mà chỉ dựa vào bằng cấp, chứng chỉ, học vị, mà không căn cứ vào thực tài, thực lực, năng lực, thì tờ báo sau sáp nhập khó có thể trụ vững.
Báo chí là công việc hết sức đặc thù, bằng cấp, học vị không đi đôi với năng lực báo chí, lãnh đạo báo chí. Hơn nữa, nhiều khi người có bằng tiến sỹ không liên quan gì đến hoạt động báo chí, quản lý báo chí. Nhất là cơ quan báo chí hậu sáp nhập cần lãnh đạo phải là những người thực sự có năng lực, có khả năng làm báo, hiểu biết về kinh tế báo chí trong bối cảnh tự chủ tài chính.