Các mục tiêu liên quan đến GDP
Tốc độ tăng GDP bình quân năm 2021 - 2030 (7%) là mục tiêu có tầm quan trọng hàng đầu, xuất phát từ một số căn cứ, trong đó rõ nhất là do điểm xuất phát còn thấp của Việt Nam. Dù Việt Nam có tổng GDP hiện vượt 408 tỷ USD, đứng thứ hạng khá trong khu vực (thứ 3), ở châu Á (thứ 9) và trên thế giới (thứ 28); nhưng do dân số trung bình đứng thứ hạng cao, nên GDP bình quân đầu người vẫn còn đứng thứ hạng thấp và đứng trước nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “chưa giàu đã già”….
Tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2021 - 2022 chỉ đạt 5,25%. Với mục tiêu tăng bình quân năm 2021 - 2030 như trên, thì nhiệm vụ trong 8 năm còn lại phải đạt 7,44%/năm. Đó là tốc độ tăng rất cao, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt mới thực hiện được.
GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái năm 2020 đạt 3.552 USD, năm 2021 đạt 3.717 USD, năm 2022 đạt 4.109 USD. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 đạt 7.500 USD vừa thể hiện quyết tâm cao, vừa thể hiện sự thận trọng. Quyết tâm cao thể hiện ở chênh lệch giữa mức của năm 2030 so với năm 2022, chỉ trong 8 năm đã tăng 82,5%, hay tăng 3.391 USD/người, bình quân 1 năm tăng 10,3%, hay tăng 423,9% USD - đó là các con số rất lớn.
Muốn đạt được mức 7.500 USD/người, tốc độ tăng GDP phải cao hơn nữa, trong khi năm 2023 và bình quân 2021 - 2025 sẽ khó đạt mục tiêu. Tốc độ tăng dân số đã ở mức dưới 1%, nếu thấp hơn nữa thì “cơ cấu dân số vàng” sẽ qua nhanh, “cơ cấu dân số già” sẽ đến nhanh, nguy cơ “chưa giàu đã già” vẫn hiện hữu. Tốc độ tăng tỷ giá VND/USD phải thấp, để rút ngắn chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương và tỷ giá hối đoái (hiện ở mức khá cao, khoảng 2,44 lần). Nếu tỷ giá thấp hoặc giảm thì sẽ ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu…
Các mục tiêu liên quan đến yếu tố tăng trưởng
Các yếu tố tăng trưởng có nhiều, trong đó có 3 yếu tố chủ yếu: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng kinh tế số/GDP, tăng tỷ trọng đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng trưởng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có nhiều nội dung, như cơ cấu sản xuất, cơ cấu sử dụng, cơ cấu loại hình kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế, cơ cấu trình độ kỹ thuật… Tỷ trọng dịch vụ theo Nghị quyết số 90/NQ-CP đến năm 2030 là trên 50%. Đây là quyết tâm rất lớn, phù hợp với tỷ trọng của nhóm ngành này trên thế giới. Có 2 vấn đề quan tâm: tăng tính chuyên nghiệp của hoạt động dịch vụ (tính kiêm nhiệm còn lớn); tập trung phát triển các dịch vụ động lực (như du lịch, khoa học - công nghệ, tài chính, tiền tệ…)
Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng lớn thứ hai (trên 40%) là cần thiết, bởi đây là nền kinh tế thực lớn nhất, là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với nền kinh tế chuyển đổi… Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp, thì tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo là tiêu chí quan trọng nhất, trong đó có tăng tỷ trọng trình độ công nghệ - kỹ thuật cao.
Tỷ trọng nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm còn dưới 10% là cần thiết, vì năng suất lao động thấp, vì “cánh kéo giá cả” trong kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập.
Tăng tỷ trọng kinh tế số/GDP lên 30% là quyết tâm rất cao, vừa có ý nghĩa cơ cấu kinh tế, vừa có ý nghĩa là yếu tố của tăng trưởng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề đặt ra là sớm có số liệu thực tế để so sánh (mức tính thử nghiệm của một đề tài khoa học năm 2020 là 8,3%), đồng thời phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt mới thực hiện được.
Đóng góp của TFP vào tăng trưởng theo mục tiêu trên 50% là rất tích cực, lớn hơn tổng số đóng góp của 2 yếu tố tăng lượng vốn đầu tư và tăng số lượng lao động đang làm việc. Yếu tố này có sự đóng góp của hiệu quả đầu tư cao (hệ số ICOR thấp), năng suất lao động cao, trên cơ sở giảm lãng phí, thất thoát trong đầu tư, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ.