Phóng viên Ngọc Mai (áo đen) chụp cùng đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng Bắc Giang trong khu thu dung điều trị ban đầu bệnh nhân Covid-19, cơ sở Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự |
Trải nghiệm không thể quên
Vừa trở về từ tâm dịch Bắc Giang, nữ phóng viên có dáng người nhỏ nhắn Phạm Ngọc Mai (Báo Gia đình xã hội) nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ các cơ quan báo chí khác cho số báo đặc biệt kỷ niệm ngày 21/6. Nhưng Mai cho rằng, bản thân là phóng viên, việc đến những “điểm nóng” dịch bệnh để tác nghiệp là điều không lạ và cũng không thấm vào đâu so với đội ngũ nhân viên y tế đang nhọc nhằn chống dịch bất kể ngày đêm.
Kể về hành trình cắm chốt tại Bắc Giang, Mai xúc động cho hay, từ ngày ra trường, gắn bó với nghề báo, đây có lẽ là trải nghiệm mà cả đời cô không thể quên. Cô được gặp những “nhân chứng sống”, được mắt thấy, tai nghe những điều đáng quý mà trước kia chỉ được biết qua sách báo.
Được phân công theo dõi khối điều trị bệnh nhân Covid-19, Mai đến Bắc Giang vào những ngày dịch căng thẳng nhất, với hàng trăm ca mắc mỗi ngày và các nhân viên y tế luôn trong guồng quay vội vã tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Ban đầu, Mai rất hồi hộp xen lẫn âu lo, nhưng chứng kiến cảnh các nhân viên y tế mướt mải mồ hồi đi lại như thoi, không phút ngơi nghỉ trong cái nóng như thiêu đốt của mùa hè, cô lập tức lấy lại tinh thần, lao vào tìm kiếm thông tin.
Người gây ấn tượng mạnh nhất cho Mai trong quá trình tác nghiệp tại Bắc Giang là bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), Đội trưởng Đội Phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bắc Giang, người phụ trách điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Hiểu tính chất công việc của bác sĩ Linh, Mai lựa lúc anh bớt việc để tranh thủ phỏng vấn hoặc ôm ba lô, máy ảnh chạy theo để “khai thác” trên đoạn đường anh đi thăm bệnh, họp giao ban. Hiếm hoi lắm mới có 1-2 lần, bác sĩ Linh có thời gian ngồi uống chén nước và giải đáp những vấn đề Mai quan tâm.
“Cuộc phỏng vấn giữa em và bác sĩ Linh liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại công việc hay những chỉ đạo gấp khi bệnh nhân có diễn biến xấu. Tuy vậy, bác sĩ Linh luôn nhiệt tình giải đáp các thắc mắc của em. Anh quan niệm, phóng viên có hiểu sâu, hiểu cặn kẽ, đầy đủ, thì mới chuyển tải cho độc giả những thông tin chính xác”, Mai nói.
Theo chân các thành viên của Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Mai đã đi khắp các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, tham gia các cuộc họp liên tục, dồn dập của các tổ công tác, của lãnh đạo tỉnh, hay chính quyền địa phương. Một ngày của Mai thường bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 11-12 giờ đêm.
Có hôm, Mai tham dự liên tiếp 3 cuộc họp cuối ngày kéo dài đến 12 giờ đêm. Sau đó, cô tiếp tục thức để nghe lại ghi âm, tìm ý tưởng, chau chuốt từng câu từ để tạo ra những tác phẩm báo chí chân thực về một cuộc chiến đang diễn ra nơi vùng quê vốn yên bình. Khi hoàn thành bài viết cũng là lúc đồng hồ điểm 2 giờ sáng, Mai chỉ kịp uống cốc sữa, rồi tranh thủ ngả lưng để sáng mai tiếp tục trở lại guồng quay hối hả cùng các y, bác sĩ tại tâm dịch.
Mai tự nhận mình là người thích ngủ nướng, ấy vậy mà khi về Bắc Giang, cô tràn đầy năng lượng, có thể thức rất khuya và dậy rất sớm mà vẫn không có cảm giác thèm ngủ. Cứ vậy, Mai như con thoi chạy đi chạy lại giữa các cơ sở y tế để tìm kiếm thông tin, dùng ngòi bút ghi lại những vất vả, niềm lạc quan, sự quyết tâm của những cán bộ y tế tại tâm dịch.
Những thước phim đặc biệt
Nhiều năm làm báo, đã quen với guồng quay công việc của một phóng viên Ban Thời sự, Báo Sức khoẻ và Đời sống, phóng viên Lê Hoàng Dương không cảm thấy bất ngờ khi tới Bắc Giang. Nhưng anh không khỏi xúc động khi chứng kiến từng đoàn người nối nhau rời nhà đến các khu cách ly tập trung, những em bé bơ vơ vì bố mẹ đều là bệnh nhân Covid-19, hay phận đời đáng thương của nhiều công nhân mất việc làm khi dịch ập tới. Anh cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của đại dịch và mong mỏi cuộc chiến này sớm kết thúc.
Ở một khía cạnh khác, khi thấy các bác sĩ, nhân viên y tế dù mệt rã rời, dù trên người đẫm mồ hôi, song họ vẫn vui vẻ, lạc quan như mọi sự vất vả ấy chỉ là vật ngoài thân, phóng viên Hoàng Dương thực sự xúc động và khâm phục. Nhìn từng đoàn xe chở các sinh viên y khoa từ các tỉnh về Bắc Giang hỗ trợ chống dịch, ai cũng nhiệt tình, nói cười rộn ràng, dù phải đi thâu đêm, suốt sáng điều tra truy vết, hay lấy mẫu xét nghiệm, anh rất trân quý và tự hào về một lớp thế hệ trẻ sống hết mình vì cộng đồng.
Được phân công theo dõi hoạt động của Tổ Cách ly y tế và xử lý môi trường của Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, cường độ làm việc của Tổ lớn ra sao thì áp lực công việc của phóng viên Hoàng Dương cũng như vậy. Đó không chỉ là cuộc chạy đua thông tin giữa các cơ quan báo chí, mà bản thân anh còn phải rất cẩn trọng bởi xung quanh đầy rẫy nguy cơ, chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới công việc và mọi người xung quanh.
Ngoài những phóng viên chuyên nghiệp tại các tòa soạn báo, về với Bắc Giang còn có cả những phóng viên “cây nhà lá vườn”, những “phóng viên không chuyên” và chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ truyền thông của Sở Y tế Hà Nội là một trong những người như vậy. Dù đang chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, song khi nhận nhiệm vụ tại Bắc Giang, cô không nghĩ ngợi nhiều, mà lập tức đến trường xin hoãn lịch bảo vệ.
Cùng với 20 cán bộ của TP. Hà Nội về chi viện cho Bắc Giang chống dịch, Vân có nhiệm vụ là thực hiện những tin, bài về hoạt động của đoàn công tác nói riêng và công tác chống dịch Covid-19 nói chung để đăng tải trên cổng thông tin của Sở Y tế Hà Nội. Ngoài ra, rất nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí nhờ Vân thực hiện những cuộc phỏng vấn tại tâm dịch để làm tư liệu trong các bài viết của họ. Cô được nhiều người yêu quý gọi là “Vân đưa tin”.
Về Bắc Giang chống dịch, trong bộ đồ bảo hộ bí bức, đoàn của Vân lúc thì đi lấy mẫu trong thời tiết nắng nóng cao độ, lúc lại di chuyển vào ban đêm, giờ giấc sinh hoạt và mọi thói quen bị đảo lộn. Bản thân Vân khi tác nghiệp trong bộ đồ bảo hộ cũng rất nhọc nhằn, chưa kể phải mang theo các trang thiết bị như máy ảnh, máy ghi âm. Nhưng chứng kiến tinh thần làm việc không biết mệt của các nhân viên y tế trong đoàn, cô tự nhủ cần cố gắng hơn để chuyển tải những thông tin chân thực, xúc động từ tâm địch đến cộng đồng.
Cũng như những chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu chống dịch, các phóng viên đã có một cuộc sống đặc biệt khi tác nghiệp ở tâm dịch nóng bỏng. Các tòa soạn báo cũng trải qua những ngày tháng làm việc xuyên đêm để có được những bản tin cập nhật về dịch bệnh. Những trải nghiệm trong cuộc chiến chống “hung thần” Covid-19 sẽ là những thước phim không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của họ…
Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân đã được phát huy
Nói về những ngày tháng “nước sôi lửa bỏng” vừa qua, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhận định, có thể nói, một trong những thành công lớn nhất của Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh của toàn dân.
Theo đó, các lực lượng tuyến đầu (y tế, công an, quân đội) đã căng mình làm việc không quản ngày đêm, chạy đua với thời gian, xông pha vào những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, thần tốc điều tra truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân, khoanh vùng, dập dịch. Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc tích cực, tham gia nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt là trong công tác hậu cần, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân, công nhân các khu vực bị cách ly, phong tỏa, không để ai bị đói, bị bỏ lại phía sau.
Trên 10.000 tổ Covid-19 cộng đồng với trên 36.000 người tham gia đã trở thành mắt xích quan trọng trong công tác giám sát phòng chống dịch tại cơ sở. Nhân dân trong toàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.
Có thể nói, trong lúc khó khăn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân đã được phát huy để vượt qua khó khăn, thách thức, sớm chiến thắng dịch bệnh. Đặc biệt, theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, hỗ trợ từ Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cùng hàng ngàn y, bác sĩ tình nguyện từ khắp mọi miền Tổ quốc, đội ngũ “phóng viên chiến trường” cắm chốt tại Bắc Giang có vai trò rất lớn giúp địa phương kiểm soát dịch.