Doanh nghiệp
Tỉnh táo khi lựa chọn nhà đầu tư
Nhung Bùi - 07/10/2022 15:04
Dù thiếu vốn, nhưng start-up vẫn cần tỉnh táo trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, không nên nhận vốn bằng mọi giá.

Vài năm trước, giới khởi nghiệp từng xôn xao trước thông tin start-up The Kafe của nhà sáng lập Đào Chi Anh đóng cửa toàn bộ hệ thống. Là “ngôi sao” trong giới khởi nghiệp khi huy động thành công 5,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên, sau đó liên tục đi trên con đường mở rộng, nhưng cuối cùng, The Kafe đã lặng lẽ rút lui. Đào Chi Anh rời khỏi start-up do cô sáng lập, doanh nghiệp chuyển thành 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Sau này, giới phân tích nhìn nhận, bên cạnh vấn đề quản trị hệ thống, một trong những nguyên nhân thất bại của The Kafe là do quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phù hợp.

Chính bản thân Đào Chi Anh cũng từng chia sẻ trong tiếc nuối: “Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình”, “những chỉ tiêu đó, tôi cũng đạt được và đã có trả giá. Những cái giá đó không bao giờ nhìn được trong lúc mình làm, nhưng càng về sau càng hiện ra rõ hơn…”.

Với những nhà sáng lập vừa chập chững bước vào con đường khởi nghiệp, việc kêu gọi vốn cũng như sự hỗ trợ của nhà đầu tư là điều cần thiết. Nhưng trên thực tế, không phải tất cả các nhà đầu tư đều đáng tin cậy. Có những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn, nhưng mục đích của họ là trục lợi, thậm chí chờ cơ hội để thâu tóm start-up.

Vì vậy, trước khi lựa chọn nhà đầu tư, mỗi start-up nên tìm hiểu kỹ về người đồng hành sắp tới của mình và tuyệt đối không nên hợp tác với những nhà đầu tư có những “biểu hiện” sau.

Một là, nhà đầu tư đòi hỏi quá nhiều. Những nhà đầu tư này thường đưa ra khá nhiều điều kiện, như rút vốn sớm, hay yêu cầu nhiều quyền kiểm soát trong công ty, can thiệp vào công việc điều hành của đội ngũ sáng lập, thậm chí đòi hỏi start-up chỉnh sửa sản phẩm/dịch vụ theo ý họ. Những nhà đầu tư này cũng có thể đòi hỏi nhiều cổ phần, mặc dù start-up mới ở vòng gọi vốn đầu tiên.

Hai là, nhà đầu tư không có nền tảng. Những nhà đầu tư này luôn sẵn sàng xuống tiền, nhưng không thể mang lại định hướng hay lời khuyên giá trị cho start-up. Theo đó, dù có đi cùng nhau, start-up sẽ vẫn khó tiến lên, chưa kể những bất hòa có thể phát sinh trong quá trình hợp tác vì sự thiếu kinh nghiệm từ cả hai phía.

Ba là, nhà đầu tư trục lợi. Những nhà đầu tư tiếp cận start-up với mục đích trục lợi thường coi khoản đầu tư của mình như một khoản vay tài chính và đòi hỏi lãi suất đi kèm. Thậm chí, một số người yêu cầu start-up cần có tài sản đảm bảo thì mới “xuống tiền”.

Bốn là, nhà đầu tư “cá mập”. Nhà đầu tư “cá mập” luôn sẵn sàng chờ start-up gặp vấn đề là “nuốt chửng” bất cứ lúc nào. Các nhà đầu tư kiểu này có thể sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau, xong chiến thuật phổ biến nhất vẫn là yêu cầu start-up phải chấp nhận nhiều thỏa thuận ngặt nghèo trong quá trình nhận vốn và phát triển.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Đặng Thanh Định, đồng sáng lập, CEO Nerman chia sẻ, điều quan trọng nhất với start-up là phải biết bản thân muốn gì và nhà đầu tư muốn gì. Nếu chỉ quan tâm đến tiền của nhà đầu tư, câu chuyện khá đơn giản. Nhưng, để tìm một nhà đầu tư chiến lược, start-up cần cân nhắc nhiều yếu tố hơn, ví dụ: nhà đầu tư có bổ sung được những gì start-up còn thiếu không? Họ có hệ sinh thái hỗ trợ start-up không? Tầm nhìn và con đường start-up đang đi có giống với họ không? Nếu không, hai bên có cách nào đưa về chung một mối không?…

“Quan trọng là hai bên phải hợp nhau. Với start-up, việc tìm kiếm nhà đầu tư không khác gì tìm một người vợ. Nếu người đó không hợp với mình, thì kiểu gì cũng cơm không lành, canh không ngọt, bao nhiêu doanh thu rồi cũng tan”, CEO Đặng Thanh Định

Bởi vậy, lời khuyên của CEO Nerman dành cho các start-up là: hãy sẵn sàng từ chối nếu nhà đầu tư đó không hợp, chứ đừng bất chấp để nhận tiền.

Tin liên quan
Tin khác