Đầu tư Phát triển bền vững
Tinh thần đâu khó có tư nhân trong đại dịch
Hồng Hạnh - 02/09/2020 15:30
Không chỉ là tấm gương sáng cho tinh thần yêu nước, nhân văn trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực, vượt lên gian khó sau cơn bão Covid-19.

Gần 100 chuyến bay “giải cứu”, đưa hàng chục ngàn đồng bào từ tâm dịch về nước, hay Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn (Đà Nẵng) được hoàn thành trong thời gian kỷ lục, không chỉ là minh chứng sống động về lòng yêu nước của doanh nghiệp Việt Nam khi đất nước gặp khó khăn, mà còn là biểu tượng cho tinh thần “đâu khó có tư nhân”.

Bệnh viện dã chiến đặt tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng)

Công trình của tình người trong tâm dịch

Đến giờ này, nhiều người vẫn bất ngờ trước việc Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn do Tập đoàn Sun Group tài trợ và thi công hoàn thành chỉ sau 84 giờ. Hơn 500 công nhân thi công trực tiếp, chia ca kíp làm việc 24/24 giờ, cùng sự nỗ lực, vào cuộc ủng hộ của các sở, ban, ngành địa phương đã tạo nên bệnh viện thông minh - một “tấm lá chắn” vững vàng cho Đà Nẵng yên tâm chống dịch.

Góp phần quan trọng làm nên công trình kỷ lục trong lịch sử ngành y tế này, kỹ sư Đoàn Khắc Trung, Trưởng ban Chiến dịch thi công Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn kể: “Lãnh đạo Sun Group cam kết bệnh viện sẽ hoàn thành trong tối đa 6 ngày. Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi lập tức đặt mục tiêu xong trong 4 ngày. Với vỏn vẹn 30 nhân sự ban đầu, chúng tôi cam kết chủ yếu bằng lý trí, vì Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội, việc huy động một lúc hàng trăm công nhân, rồi mua sắm khối lượng trang thiết bị khổng lồ từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về đây trong vòng 2-3 ngày gần như là điều không tưởng”.

Thời gian đếm lùi từng phút, kỹ sư Trung tức tốc gọi điện kết nối với các bên và may mắn được hết thảy mọi người ủng hộ, giúp đỡ nhiệt thành. “Đến ngày thi công, tôi huy động được hàng trăm công nhân. Nguyên vật liệu, thiết bị thi công cho Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn cũng được mua sắm đầy đủ chỉ trong 2 ngày. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Thậm chí, có rất nhiều người dân Quảng Nam, Đà Nẵng xung phong tham gia, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, khiến tôi vô cùng xúc động và trân quý”, kỹ sư Trung kể.

Thoạt nhìn, Bệnh viện dã chiến có vẻ đơn sơ, khi chỉ có những dãy giường, tấm vách, quạt, đèn, tủ…, nhưng theo kỹ sư Trung, có khá nhiều vấn đề phức tạp phát sinh khi thi công công trình này. Điển hình như hệ thống vệ sinh được chế thêm nhiều vòi sen để phục vụ nhu cầu tắm giặt cho các y, bác sỹ. Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải được thay thế bằng hệ thống thu gom, xử lý, sát khuẩn với các bước sục ozone, chlorine nén xử lý nước và đèn UV sát khuẩn không khí đầu ra của các bồn chứa ngầm, rồi bơm đi bằng đường riêng biệt. Hệ thống lọc gió và hệ thống xử lý rác thải của phòng xét nghiệm rất hiện đại cũng được đầu tư lắp đặt riêng cho Bệnh viện dã chiến, để đảm bảo không lây nhiễm cho cộng đồng…

Ngoài việc tài trợ và thi công của Tập đoàn Sun Group, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn còn được nhiều doanh nghiệp khác hỗ trợ các trang thiết bị, máy móc liên quan đến công tác khám, chữa bệnh như Vingroup tài trợ máy thở, FPT lắp đặt mạng wifi miễn phí, Viettel phủ sóng 4G, Ecopark tài trợ hệ thống xử lý nước thải y tế… Do vậy, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn được đánh giá là bệnh viện thông minh nhất trên địa bàn thành phố và là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, của tình người trong tâm dịch.

“Dù là bệnh viện dã chiến, nhưng bệnh viện tại Cung thể thao Tiên Sơn được thi công và xây dựng phương án quản lý, vận hành với tính chuyên môn cao, chuyên nghiệp, hiện đại, không thua kém các bệnh viện có điều kiện tốt nhất trên địa bàn thành phố hiện nay, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch”, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá về Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn.

Triết lý về lòng yêu nước chảy mãi

Nhìn vào những đóng góp của tư nhân trong trận chiến với Covid-19, lại nhớ hình ảnh dường như… "chỉ có trong phim" tại Sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) những ngày đầu tháng 2/2020. Một "biệt đội" trang bị đồ bảo hộ trắng toát hối hả đón chuyến bay giải cứu người Việt về từ Vũ Hán trong màn đêm và những cơn gió thốc. Thời điểm ấy, nỗi sợ của những người "đón dịch" là có thật. Nhưng tình yêu đồng bào, yêu Tổ quốc đã tiếp sức cho họ bền bỉ trong tâm thế sẵn sàng đón đồng bào trở về, bất kể sáng sớm hay đêm khuya.

Với các kế hoạch chủ động và luôn sẵn sàng của doanh nghiệp, cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, chúng tôi tin rằng, Sun Group sẽ phục hồi đà tăng trưởng, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam hồi sinh và bùng nổ với nhiều kết quả đáng khích lệ thời kỳ hậu Covid-19.

Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Sun Group

Liên tiếp hơn 100 chuyến bay từ các vùng dịch trở về trong những tháng qua, mang theo khoảng 20.000 hành khách (gồm cả người Việt và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc) là thách thức không hề đơn giản đối với các cán bộ, nhân viên Sân bay Vân Đồn. Thách thức không chỉ bởi nguy cơ mà những người tuyến đầu gặp phải, hay những chuyến bay chỉ được biết trước vỏn vẹn 1 giờ trước khi hạ cánh, mà thách thức của những người thầm lặng đón đồng bào, như anh Nguyễn Hải Linh, Tổ trưởng Tổ bốc xếp hành lý cho biết, phải làm sao để hành lý, hàng hóa được giải tỏa nhanh chóng, thoải mái và an toàn cho cả hành khách và nhân viên phục vụ, với những tình huống chưa từng gặp, trong hàng chục chuyến bay, không chuyến nào giống chuyến nào.

Trách nhiệm và kỷ luật cộng hưởng với quy trình đón khách ngoài trời ngày càng tối ưu về thời gian, từ 2 giờ trước đây xuống 1 giờ ở thời điểm hiện tại và được tính toán tỉ mỉ, chặt chẽ đến từng centimet như việc làm toilet di động cho khách sử dụng mới thấy thật lắm "công phu". Chính nhờ sự nghiêm ngặt, chặt chẽ và linh hoạt ở sân bay tư nhân mới gần 2 tuổi này đã giúp nhiều ca bệnh trở về từ các nước được xử lý cách ly thành công, không gây ra sự nguy hiểm nào tới cộng đồng.

Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group cho biết, những nỗ lực chung tay với Chính phủ triển khai đón các chuyến bay đưa đồng bào từ vùng dịch về Việt Nam, hay cùng với TP. Đà Nẵng xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn không chỉ là trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, mà còn là niềm tự hào của Sun Group, khi được góp sức gánh vác với Chính phủ trong giai đoạn khó khăn.

“Sự tin tưởng của Chính phủ và của chính quyền địa phương khi giao phó cho Sun Group những trọng trách, nhiệm vụ hỗ trợ đồng bào trong tâm dịch, những tình cảm nồng ấm mà chúng tôi nhận được từ người dân hay chính từ các anh chị em khắp nơi trong những ngày qua là niềm hạnh phúc, vinh dự của chúng tôi”, bà Thanh Hương chia sẻ.

Không chỉ là tấm gương sáng cho tinh thần yêu nước, nhân văn trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực, vượt lên gian khó, không ngừng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đẳng cấp để vực dậy ngành du lịch sau cơn bão Covid-19. Điển hình như Sun Group, dù ảnh hưởng nặng nề, vẫn liêp tiếp cho ra mắt những công trình, sản phẩm dịch vụ mới mẻ để thu hút du khách như: khai trương khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen theo phong cách chuẩn Nhật Bản đầu tiên tại Quảng Ninh; khai trương thung lũng hoa hồng lớn nhất thế giới tại Fansipan; đầu tư thay đổi diện mạo Công viên châu Á, biến nơi này trở thành điểm vui chơi giải trí về đêm đẳng cấp và hấp dẫn bậc nhất miền Trung…

Dường như, mỗi khi đối mặt với khó khăn, người Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng lại cho thấy bản lĩnh, ý chí sáng ngời để vươn lên nghịch cảnh. Nhìn vào những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sống bằng du lịch nghỉ dưỡng như Tập đoàn Sun Group, mới thấy rằng, mỗi đóng góp của họ lúc này là sự nỗ lực lớn lao, là tinh thần trách nhiệm với quê hương đất nước.

Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Sun Group Bùi Thị Thanh Hương:
“Người Sun Group tự hào được góp sức bảo vệ quê hương”
Ngay từ những tháng đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch thế giới gần như tê liệt. Sun Group, với lĩnh vực kinh doanh chính là du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Đến thời điểm này, dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp với tâm dịch bùng phát ở Đà Nẵng. Đây là địa bàn trọng điểm quy tụ nhiều dự án, công trình khu du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn, resort do Tập đoàn Sun Group đầu tư, vận hành, nên Sun Group một lần nữa đứng trước khó khăn lớn. Tuy nhiên, với quan điểm an toàn là trên hết, chúng tôi quyết định tạm ngừng hoạt động tất cả hệ thống tại Đà Nẵng, tuân thủ đúng quy định giãn cách xã hội của chính quyền địa phương.

Do ảnh hưởng của dịch, tâm lý khách lo ngại, các điểm đến của chúng tôi tại các địa phương khác cũng gặp khó khăn trong việc thu hút khách. Đến thời điểm này, chưa thể định lượng bằng con số những thiệt hại chung của Tập đoàn, nhưng điều trăn trở nhất của chúng tôi là hàng ngàn cán bộ, nhân viên Sun Group tại Đà Nẵng đang phải nghỉ việc, cuộc sống bị ảnh hưởng không nhỏ.

Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Sun Group Bùi Thị Thanh Hương.


Mặc dù phải đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có, nhưng là một doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi ý thức phải làm một điều gì đó cho quê hương, đất nước để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Đà Nẵng là nơi Sun Group gắn bó ngay từ thời điểm trở về quê hương lập nghiệp cách đây hơn 10 năm. Với Sun Group, Đà Nẵng giống như gia đình, như quê hương thứ hai của chúng tôi. Khi quê hương gặp khó, những người con Đà Nẵng không ai đứng ngoài cuộc. Đó là lý do Sun Group quyết định tài trợ và thi công Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn để thành phố có thêm một “lá chắn”, phòng khi dịch diễn biến phức tạp.

Với sự giúp đỡ của UBND TP Đà Nẵng và các sở ban ngành, sự đồng thuận và ủng hộ của người dân và đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực quên mình của các cán bộ, nhân viên Sun Group và nhà thầu, bệnh viện được hoàn thành chỉ trong 3,5 ngày, sớm hơn 2,5 ngày so với kế hoạch và được đánh giá cao về chất lượng. Đây có thể xem là công trình biểu tượng cho sự đoàn kết và niềm tin của người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trong đại dịch Covid-19. Không ai muốn công trình này sẽ được dùng đến, nhưng chúng tôi mong rằng, Bệnh viện dã chiến sẽ góp thêm một điểm tựa, để Đà Nẵng có niềm tin và thêm sức mạnh vượt qua cơn bão Covid-19.

Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn (Đà Nẵng).


Từ đầu mùa dịch đến nay, Sân bay Vân Đồn của chúng tôi vẫn bền bỉ đón những chuyến bay từ tâm dịch đưa hàng chục ngàn đồng bào mình về nước, theo một quy trình đặc biệt an toàn lần đầu có tại Việt Nam. Ngoài ra, sân bay cũng đón khoảng 50 chuyến bay chở đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chất lượng cao của các Tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới tới Việt Nam làm việc.

So với sự cống hiến, hy sinh quên mình của lực lượng tuyến đầu như các y bác sĩ, các cán bộ y tế, công an, bộ đội và các lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế hay các Sở, ban, ngành trung ương và địa phương, những đóng góp của Sun Group tại sân bay Vân Đồn hay bệnh viện dã chiến Tiên Sơn là vô cùng nhỏ bé. Tuy nhiên, chúng tôi tự hào vì những đóng góp nhỏ bé đó giúp ích cho đất nước trong giai đoạn khó khăn của đại dịch.

Tin liên quan
Tin khác