Thời sự
Nếu không dựa vào kinh tế tư nhân, thì ai tạo việc làm, thu nhập?
Đặng Khôi - 08/11/2019 08:57
“Trong nền kinh tế hiện nay, kinh tế tư nhân là lực lượng chính thực hiện sứ mệnh tạo nhiều việc làm và thu nhập cho đông đảo người lao động. Thử hỏi, nếu không dựa vào kinh tế tư nhân, thì ai tạo việc làm, ai tạo thu nhập cho người dân?”, PGS - TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi.
TIN LIÊN QUAN
PGS - TS. Trần Đình Thiên.

Vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã, đang được khẳng định và nhấn mạnh. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay?

Từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta đã đưa quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Điều này cho thấy, vai trò, sứ mệnh của kinh tế tư nhân đã được khẳng định. Chính kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng góp phần hồi sinh nền kinh tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng. Chỉ có điều, mãi sau 30 năm đổi mới thành công, một cách chính thức, Nhà nước mới thừa nhận kinh tế tư nhân là “động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế”.

Tôi tin rằng, sự thừa nhận vai trò như trên của kinh tế tư nhân là khẳng định mang tính lý luận. Muốn xây dựng nền kinh tế thị trường, thì tất yếu phải phát triển kinh tế tư nhân.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Trước hết, phải là tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Trong nền kinh tế của ta hiện nay, kinh tế tư nhân là lực lượng chính thực hiện sứ mệnh đó - tạo nhiều việc làm và thu nhập cho đông đảo người lao động hơn bất cứ thành phần kinh tế nào khác. Thử hỏi, nếu không dựa vào kinh tế tư nhân, thì ai tạo việc làm, ai tạo thu nhập cho người dân?

Cụ thể hơn, doanh nghiệp tư nhân có vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế ở giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Có hai điểm nổi bật.

Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân đã và đang tham gia đầu tư xây dựng các công trình lớn, thay đổi diện mạo đất nước. Đặc biệt, một số tập đoàn tư nhân đang góp phần làm mới “chân dung” nền kinh tế.

Có nhiều ví dụ điển hình minh chứng. Suốt mấy chục năm, lực lượng kinh tế nhà nước đã không thể thực hiện được khát vọng ô tô “made in Vietnam”. Nay Thaco, VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực.

Về du lịch, hãy hỏi: ai đã làm cho Hạ Long phát triển tương xứng với danh hiệu “kỳ quan thế giới”? Không chỉ Hạ Long, hiện nay, Đà Nẵng, Nha Trang, Sa Pa, Phú Quốc… cũng đang khẳng định là những địa chỉ du lịch “đáng đến” tầm cỡ quốc tế.

Tất nhiên, nhiều lực lượng kinh tế đóng góp vào thành công này. Nhưng, điều cần ghi nhận là vai trò nổi bật của khu vực tư nhân, của những tập đoàn kinh tế tư nhân như Sun Group, Vingroup…

Ngành hàng không cũng là một ví dụ rất thuyết phục. Trước đây, hàng không chỉ có độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Nay có tư nhân tham gia thì sôi động hẳn lên, đông đảo người dân được hưởng lợi.

Thứ hai, như đã được Chính phủ tổng kết, những năm gần đây, vốn đầu tư công giải ngân chậm dần và hiện đang rất chậm. Mặc dù giải ngân chậm như vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng tích cực. Không thể phủ nhận, đó là nhờ sự trỗi dậy của khu vực tư nhân.

Tôi cho rằng, trong những năm qua, nếu nền kinh tế vỗ đều nhịp cả 2 “cánh” công và tư, thì thành tích còn tốt hơn nhiều chứ không chỉ 6-7% đâu.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group xây dựng trong thời gian ngắn kỷ lục, chưa tới 2 năm

Từ những “kỷ lục” về tiến độ như sân bay Vân Đồn hoàn thiện trong gần 2 năm, Nhà máy Ô tô VinFast hoàn thiện trong 21 tháng, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: “Vì sao các công trình giao tư nhân làm thì nhanh và hiệu quả”. Theo ông, đâu là câu trả lời?

Rất đơn giản, đó là lợi ích.

Doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra, thì họ phải làm nhanh để đưa vào sử dụng và mang lại lợi ích. Nhưng họ không thể chỉ quan tâm đến lợi ích riêng. Muốn hưởng lợi, thu hồi vốn nhanh, thì doanh nghiệp tư nhân phải phục vụ xã hội. Phục vụ càng tốt, thu lời càng nhanh. Nguyên lý của kinh tế thị trường là như vậy.

Mấu chốt của vấn đề là động cơ nội tại. Chúng ta phải tôn trọng động cơ lợi ích của tư nhân. Đó là động cơ khách quan, nội tại để nhà đầu tư tư nhân hành động và hành động có trách nhiệm. Xuất phát từ đó, họ phải tổ chức tốt, làm tốt, bảo đảm chất lượng. Nhờ đó mà có các công trình quy mô đẳng cấp phục vụ cộng đồng.

Lấy ví dụ, những vùng đất nghèo nàn, hoang sơ như Vân Đồn (Quảng Ninh) trước đây, giờ đã trở thành lợi thế, đất vàng. Giờ có sân bay, do Sun Group đầu tư, tiềm năng của Vân Đồn được đánh thức. Các nhà đầu tư “lũ lượt” kéo về, diện mạo Vân Đồn đang thay đổi rất nhanh. Hay như bãi biển Đà Nẵng, 30 năm trước cũng là đất hoang, còn giờ đây đã là địa chỉ “đáng đến và đáng sống”.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là kinh tế tư nhân toàn “thánh thiện”. Luật pháp không nghiêm, cơ chế lạc hậu, nhiều sơ hở sẽ tạo cơ hội cho lòng tham tư nhân trỗi dậy, lấn át. Khi đó, thiệt hại cho nền kinh tế và cả xã hội sẽ là khôn lường. Nhà nước phải đặc biệt chú ý khía cạnh này. Khuyến khích, hỗ trợ tư nhân không có nghĩa là dung túng cho lòng tham, thả lỏng cho hoạt động đầu cơ.

Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc..., khối tư nhân được coi là lực lượng chính đóng góp vào việc kiến tạo nên nền kinh tế tầm cỡ thế giới. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có nhiều hơn nữa những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đóng góp cho sự lớn mạnh của nền kinh tế?

Muốn trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu, một quốc gia không thể chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà phải có những tập đoàn kinh tế mạnh. Đây không phải là một nguyên lý lý thuyết, nhưng kinh nghiệm lịch sử chỉ ra như vậy.

Doanh nghiệp phải phát triển thành lực lượng quốc gia - dân tộc. Lực lượng nghĩa là có cấu trúc. Trong lực lượng doanh nghiệp, có các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn liên kết với nhau theo chuỗi, theo mạng.

Lâu nay, chúng ta mới tập trung phát triển số lượng doanh nghiệp, chưa quan tâm phát triển lực lượng doanh nghiệp đúng nghĩa. Vì thế, định hướng chiến lược và chính sách phát triển doanh nghiệp không rõ.

Trong lịch sử, Hàn Quốc, Nhật Bản trở thành nền kinh tế thần kỳ có một lý do là phát triển được lực lượng doanh nghiệp dân tộc. Họ phát triển nền công nghiệp nhiều tầng, trong đó, các tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo thành trục xoắn vào nhau. Họ định hướng xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất rất sớm với các tập đoàn lớn đóng vai trò trụ cột như Honda, Toyota (Nhật Bản); Samsung, Huyndai (Hàn Quốc)… Xoay quanh, “bám” vào các trụ cột đó là rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cấu trúc này định hướng thiết kế chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa - thông qua các tập đoàn lớn, gắn với chuỗi, chứ không thể ưu đãi tràn lan, chung chung, chia đều.

Nhìn Hàn Quốc, chúng ta thấy bài học về cách phát triển để trở thành cường quốc kinh tế. Đó là dựa vào các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Tất nhiên, phải lưu ý xu thế trở thành độc quyền của các tập đoàn tư nhân. Các nền kinh tế thị trường đều có luật chống độc quyền hoặc luật cạnh tranh để bảo vệ cạnh tranh tự do. Nhưng ranh giới giữa “một tập đoàn hùng mạnh dẫn dắt chuỗi” với “độc quyền” là rất mong manh. Khi đó, luật chống độc quyền phải mạnh, rất hiệu lực thì mới quản lý được.

Nền kinh tế Mỹ có nhiều tập đoàn lớn, hùng mạnh, nhưng họ rất cảnh giác với độc quyền, có dấu hiệu của độc quyền là có thể bị “tuýt còi” ngay. Việt Nam cần phát triển thị trường cạnh tranh. Nhưng để có lực lượng doanh nghiệp Việt mạnh, trong giai đoạn này, rất cần hỗ trợ - nhưng đừng ưu đãi phi thị trường - những doanh nghiệp vươn lên thành tập đoàn mạnh, có khả năng thiết lập và dẫn dắt các chuỗi sản xuất.

Tin liên quan
Tin khác