Trong tháng 8/2023, Công ty Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số đạt 22,4 triệu USD, tăng khoảng gần 1,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ doanh số 22,1 triệu USD). Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ tôm tăng 15% nhưng doanh số chỉ tăng khoảng 1% do giá tiêu thụ tôm thế giới đang ở mức thấp.
Ngoài ra, với việc doanh số tăng trưởng dương trong tháng 8/2023, Công ty cũng cho biết đây là tháng có doanh số dương đầu tiên trong năm, mặc dù mức tăng nhẹ nhưng cho thấy sự chuyển động phục hồi tiêu thụ.
Ngoài ra, Công ty cũng chia sẻ chi tiết về sản lượng tiêu thụ trong tháng 8/2023. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.008 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 85 tấn, bằng 33% so với cùng kỳ.
Trước đó, trong tháng 7/2023, Công ty chia sẻ doanh số đạt 21,3 triệu USD, tương đương so với cùng kỳ năm trước và đồng thời tăng 18% so với doanh số trong tháng 6/2023.
Lợi nhuận quý II/2023 giảm 35,8%, về 76,07 tỷ đồng
Về hoạt động kinh doanh giai đoạn nửa đầu năm 2023, trong quý II/2023, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 1.032,8 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 76,07 tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,7%, về còn 8,5%.
Được biết, theo dữ liệu SSI iBoard, từ năm 2018 đến năm 2022, biên lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta chưa bao giờ xuống 8,5%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp thấp nhất là năm 2020, Công ty ghi nhận 9,73%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 47% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 77,64 tỷ đồng, về 87,56 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 29,5%, tương ứng giảm 5,61 tỷ đồng, về 13,38 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 30,5%, tương ứng giảm 5,22 tỷ đồng, về 11,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 76,8%, tương ứng giảm 38,78 tỷ đồng, về 11,69 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý II, mặc dù Thực phẩm Sao Ta đã tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm mạnh do biên lợi nhuận gộp suy giảm, lợi nhuận của Công ty vẫn giảm 35,8%.
Lũy kế trong nửa đầu năm 2023, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 2.041,2 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 124,67 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2023, Thực phẩm Sao Ta đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 128,32 tỷ đồng, Thực phẩm Sao Ta mới hoàn thành 32,1% kế hoạch lợi nhuận năm.
Dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục sau 5 năm duy trì dương
Bên cạnh kinh doanh lao dốc, trong nửa đầu năm 2023, Thực phẩm Sao Ta còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 395 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 25,99 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 185,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 219,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Được biết, theo dữ liệu SSI iBoard, từ năm 2018 đến năm 2022, Thực phẩm Sao Ta liên tục duy trì dòng tiền kinh doanh dương. Trong đó, dòng tiền kinh doanh dương thấp nhất là năm 2020 với giá trị dương 42,01 tỷ đồng.
Như vậy, sau 5 năm dòng tiền kinh doanh dương liên tục, Thực phẩm Sao Ta bất ngờ ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm trong 6 tháng đầu năm 2023.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta tăng 7,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 212,5 tỷ đồng, lên 3.201,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 1.286 tỷ đồng, chiếm 40,2% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 836,2 tỷ đồng, chiếm 26,1% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 296 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 279,5 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu tồn kho tăng 38,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 356,9 tỷ đồng, lên 1.286 tỷ đồng; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 50,4%, tương ứng giảm 300,4 tỷ đồng, về 296 tỷ đồng…
Thực phẩm Sao Ta cho biết tồn kho tăng chủ yếu do thành phẩm tăng từ 701,8 tỷ đồng lên 978,9 tỷ đồng, tức tăng thêm 277,1 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 71,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 370,4 tỷ đồng, lên 885,9 tỷ đồng và chiếm 27,7% tổng nguồn vốn.
Ngành thuỷ sản giảm 27% và xuất khẩu tôm giảm 31% trong nửa đầu năm 2023
Một diễn biến đáng lưu ý khác, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ, đạt gần 4,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với nửa đầu năm 2022.
Ngoài những khó khăn từ phía thị trường tiêu thụ kém, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm và cá tra bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên…
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục trong những tháng tới và có kết quả tốt hơn so với nửa đầu năm, nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội.
Đóng cửa phiên giao dịch phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày (31/8), cổ phiếu FMC đóng cửa giá tham chiếu 47.400 đồng/cổ phiếu.