Doanh nghiệp Mỹ vẫn lạc quan tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc, không chỉ ở lĩnh vực tiêu dùng mà còn ở nguồn lực và sản xuất công nghiệp. Ảnh: AFP |
Kém lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận
Đây là kết quả khảo sát vừa được Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc công bố. Sau khi Tổng thống Joe Biden đắc cử vào cuối năm 2020, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp Mỹ về quan hệ Mỹ - Trung đã tăng lên, với 45% số người được hỏi kỳ vọng quan hệ hai bên sẽ trở nên tốt hơn.
Nhưng kết quả cuộc khảo sát vừa công bố, AmCham cho biết mức độ lạc quan đó đã giảm xuống 27%, bằng với giai đoạn ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ và ban hành các chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Cuộc khảo sát lần này cho thấy, căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng đã được liệt vào danh sách 5 thách thức hàng đầu đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc kể từ năm 2019.
Ông Alan Beebe, Chủ tịch AmCham Trung Quốc nói với báo giới rằng: "Có thể đã có sự hy vọng và lạc quan rằng, khi ông Biden nhậm chức, mối quan hệ hai bên sẽ được cải thiện".
Trên thực tế, kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2021, các mức thuế quan dưới thời cựu Tổng thống Trump vẫn được giữ nguyên. Thêm vào đó, Mỹ đã bổ sung nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen khiến những doanh nghiệp này không thể mua hàng từ các nhà cung cấp Mỹ.
Khi còn đương chức, ông Trump đã sử dụng các biện pháp trừng phạt và thuế quan nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc giải quyết các mối lo ngại lâu nay của Washington. Chẳng hạn như cáo buộc phía Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường không bình đẳng và ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ quan trọng. Dù chính quyền Trung Quốc đã công bố một số chính sách để giải quyết những mối lo ngại này, nhưng AmCham cho rằng, việc thực hiện các chính sách đó ở các địa phương vẫn chưa đồng đều.
Theo khảo sát của AmCham, việc áp dụng loạt quy định và luật mới về quyền riêng tư dữ liệu năm ngoái đã gia tăng thách thức đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc, khiến họ thận trọng đối với các khoản đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tháng trước, các nhà kinh tế nhận định rằng, điều tồi tệ nhất của việc siết chặt quy định pháp lý có lẽ đã qua đi, bởi Trung Quốc hiện tập trung nhiều hơn vào thúc đẩy tăng trưởng, nhưng điều này không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ chấm dứt hoặc đảo ngược quy định đã ban hành.
Nền kinh tế Trung Quốc chững lại trong vài tháng trở lại đây đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở nước này. Trong khi đó, các biện pháp hạn chế đi lại do Covid-19 cũng là rào cản ngáng đường doanh nghiệp và nhân tài ngoại quốc muốn gia nhập thị trường này.
AmCham cho biết, 59% công ty kỳ vọng đạt tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021, cao hơn so với mức 54% trong năm 2020, nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức 73% vào năm 2017 - thời điểm trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 nổ ra.
Nguyên nhân của sự sụt giảm kỳ vọng lợi nhuận là do các công ty Mỹ đã không thể san bớt gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao sang tay khách hàng, trong khi cạnh tranh ở thị trường nội địa Trung Quốc vẫn tiếp tục.
Áp lực chính trị gia tăng
Kết quả khảo sát của AmCham chỉ ra rằng, doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc ngày càng cảm thấy ít được chào đón hơn trước và họ đã đối mặt với áp lực chính trị ngày càng tăng từ Bắc Kinh, Washington và truyền thông ở cả hai nước.
Hơn 40% doanh nghiệp trả lời khảo sát, nhất là doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng, cho biết họ đã chịu sức ép buộc phải đưa ra hoặc tránh đưa ra những tuyên bố về các vấn đề nhạy cảm chính trị.
Căng thẳng địa chính trị đã trở thành rủi ro kinh doanh đối với nhiều công ty quốc tế. Nhãn hàng hiệu H&M (Thụy Điển) và đế chế thời trang thể thao Nike của Mỹ đã phải vấp phải phản ứng dữ dội từ mạng xã hội Trung Quốc vào năm ngoái do đã đưa ra những bình luận về sử dụng lao động cưỡng bức ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Gần đây, liên tiếp doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đã cắt đứt quan hệ với thị trường Nga sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Nhưng Chủ tịch AmCham tại Trung Quốc cho rằng, đối với các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, vẫn còn quá sớm để nói về tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
Ổn định kế hoạch đầu tư
Khoảng 2/3 doanh nghiệp Mỹ trả lời khảo sát AmCham cho biết kế hoạch tăng đầu tư tại Trung Quốc của họ sẽ vẫn ổn định so với năm ngoái. Có đến 83% những người được hỏi khẳng định họ không xem xét dịch chuyển địa điểm sản xuất hoặc tìm nguồn cung ứng, cùng mức với năm 2019.
Những người trả lời khảo sát của AmCham vẫn lạc quan về cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc, không chỉ ở lĩnh vực tiêu dùng mà còn ở nguồn lực và sản xuất công nghiệp.
Hàng không vũ trụ, dầu khí và năng lượng là những lĩnh vực ghi nhận hơn 2/3 doanh nghiệp Mỹ đánh giá chất lượng môi trường đầu tư của Trung Quốc đang được cải thiện.
Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Mỹ có ý định đầu tư ở quy mô nhỏ hơn trong năm nay. 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết căng thẳng Mỹ - Trung có thể khiến họ trì hoãn hoặc hủy bỏ các quyết định đầu tư ở Trung Quốc. Một số ít công ty Mỹ tin tưởng vào cam kết của Bắc Kinh trong việc mở cửa thị trường nội địa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài trong 3 năm tới.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các công ty nước ngoài đã tăng cường đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2021, với mức vốn đổ vào thị trường này tăng 14,9% so với một năm trước đó, lên 1.100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 171,88 tỷ USD). Cơ quan này cho biết thêm, các nhà đầu tư từ Singapore và Đức đã lần lượt tăng đầu tư thêm 29,7% và 16,4%.
Đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc chiếm gần 20% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này trong những năm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, theo dữ liệu được Công ty phân tích thị trường Wind Info tổng hợp từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc.