Một góc trung tâm mua sắm Citadel Outlets, thành phố Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP |
Lạm phát năm 2021 của Mỹ đã tăng lên mức 7% khi giá cả tăng nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ. Nhưng đây không phải tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lạm phát Mỹ đã lên tới 12,2% vào cuối năm 1974 sau khi Tổng thống Gerald Ford nhậm chức. Con số này gấp 1,8 lần lạm phát năm 2021.
Lịch sử cũng chứng kiến lạm phát Mỹ tăng lên mức 14,6% vào tháng 3 và tháng 4 năm 1980, góp phần vào thất bại của Tổng thống Jimmy Carter trong cuộc bầu cử tổng thống vào mùa thu năm đó.
Các nhà kinh tế cho rằng tình hình lạm phát Mỹ sẽ không tái diễn một cách đơn thuần như trong lịch sử bởi nhiều bộ phận của nền kinh tế đã thay đổi đáng kể.
Trong những năm 1980, phần lớn công nhân Mỹ làm việc trong các nghiệp đoàn và theo các điều khoản hợp đồng mà trong đó tiền lương tự động tăng khi giá cả tăng lên. Cho nên khi thu nhập tăng, các doanh nghiệp liên tục tăng giá, dẫn đến sự hình thành "vòng xoáy giá - lương". Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 12% người lao động Mỹ được đại diện bởi các nghiệp đoàn, bằng một nửa tỷ lệ của năm 1983.
Ngoài ra, các yếu tố khác như cạnh tranh từ hàng nhập khẩu cũng khiến các công ty Mỹ khó có thể đẩy giá bán tăng cao. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ hiện nay ít nhạy cảm hơn với giá dầu so với vài thập kỷ trước.
Năm 2022 sẽ là phép thử thực sự đối với lạm phát Mỹ. Biến động lạm phát Mỹ năm nay sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả thực hiện chính sách tiền tệ của Fed. Sau khi kéo lãi suất về gần bằng 0 khi Covid-19 chớm đại dịch, Fed đã dự tính sớm tăng lãi suất trở lại nhằm hạ nhiệt nền kinh tế.
Kết quả cuộc khảo sát gần đây nhất do Cục Dự trữ liên bang (Fed) chi nhánh New York thực hiện, người Mỹ dự đoán lạm phát sẽ đạt mức 6% trong năm nay và 4% trong 3 năm tới. Hai mức tăng này cao hơn nhiều so với dự báo của Fed. Trước đó, tại cuộc họp tháng 12/2021, Fed dự báo lạm phát Mỹ sẽ tăng 2,6% trong năm 2022.
Về phía các nhà đầu tư, họ dự ước lạm phát trung bình của Mỹ sẽ ở mức 2,87% trong vòng 5 năm tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 11/1 nhận định rằng áp lực của các chuỗi cung ứng toàn cầu - nguyên nhân chính gây ra lạm phát sẽ giảm bớt trong năm nay, mặc dù nhiều doanh nghiệp và các nhà phân tích không đồng tình quan điểm này của Fed.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện vào đầu tuần, Chủ tịch Fed nói với các nhà lập pháp rằng ông kỳ vọng chuỗi cung ứng "sẽ nới lỏng". Nhưng ông Powell vẫn thận trọng cho rằng nếu tình hình chuỗi cung ứng không được cải thiện, lạm phát sẽ ngày càng "dai dẳng và tăng cao", đồng thời làm gia tăng nguy cơ lạm phát khoét sâu thêm vào túi tiền của doanh nghiệp và các hộ gia đình Mỹ.
Trong năm 2021, lạm phát đã làm xói mòn sức chi tiêu của người Mỹ và buộc họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi ra quyết định mua hàng và đây được xem là tổn thất đối với nền kinh tế.
Mối quan tâm lớn hiện nay không phải là liệu lạm phát nghiêm trọng có xảy ra hay không, mà là liệu lạm phát có tiếp tục xảy ra, gây ra thêm tổn thất khi doanh nghiệp tiếp tục tăng giá và người lao động yêu cầu mức lương cao hơn để trang trải chi phí.
Chủ tịch Fed khẳng định cơ quan này sẽ phản ứng quyết liệt hơn nếu xuất hiện nguy cơ lạm phát kéo dài. Theo dự đoán của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Fed sẽ tiến hành 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cho rằng: "Có thể lạm phát tồi tệ hơn họ (Fed - BTV) nghĩ và họ tăng lãi suất nhiều hơn mọi người nghĩ".
Tuy nhiên, ông Mohamed El-Erian, Chủ tịch Queens' College cảnh báo, nguy cơ mắc sai lầm sẽ tăng lên khi các quyết định được đưa ra vội vàng.