Thời sự
Tình trạng kháng thuốc có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu
Uyên Linh - 03/10/2016 14:20
Tình trạng này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô như năm 2008, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa.
Chi phí y tế toàn cầu cho các bệnh kháng thuốc có thể lên đến 100.000 tỷ USD vào năm 2050. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo hiện tượng tình trạng siêu vi trùng kháng thuốc đang lan rộng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô như năm 2008, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa.

Báo cáo với nhan đề "Vi khuẩn kháng thuốc: Mối đe dọa tương lai kinh tế của chúng ta" đã dự báo tình hình tài chính khi mà kháng sinh và những thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc không thể điều trị các loại bệnh như thông thường.

Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang gia tăng và trong tương lại, nhiều bệnh truyền nhiễm sẽ không thể điều trị, buộc nhiều người rơi vào túng quẫn do chi phí chữa bệnh tốn kém.

Ngoài ra, chi phí của chính phủ cho chăm sóc y tế cộng đồng cũng sẽ phình to. Một đánh giá gần đây về vấn đề này cho biết chi phí y tế toàn cầu cho các bệnh kháng thuốc có thể lên đến 100.000 tỷ USD vào năm 2050.

Báo cáo của WB dự báo, giai đoạn 2017-2050 là sẽ chứng kiến những nước và người nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức độ thiệt hại không kém gì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan đánh giá tình trạng vi khuẩn kháng thuốc sẽ là thảm họa đối với sức khỏe của con người và động vật, nguồn thực phẩm và kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo, tới năm 2050, tình trạng bệnh tật lan tràn sẽ đẩy 28 triệu người, chủ yếu tại các nước đang phát triển, vào cảnh nghèo cùng cực. Hơn thế nữa, những nước thu nhập thấp có thể mất hơn 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2050.

Giá trị xuất khẩu của thế giới giảm đến 3,8% vào năm 2050. Việc tăng chi phí cho chăm sóc sức khỏe có thể tăng từ 300 tỷ USD lên đến hơn 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2050. Do chịu ảnh hưởng của tình trạng kháng thuốc, các sản phẩm gia cầm được coi là nguồn cung thực phẩm chính sẽ giảm từ 2,6-7,5% mỗi năm.

Giới chuyên gia nhận định hiện vẫn chưa có câu trả lời dễ dàng nào cho vấn đề vi khuẩn kháng thuốc và do vậy cuộc khủng hoảng có thể sẽ vẫn tiếp diễn. Nó không kết thúc như một vòng phục hồi tuần hoàn như những cuộc khủng hoảng tài chính trước đây.

Dự kiến, vấn đề vi khuẩn kháng thuốc cũng sẽ được đưa ra bàn thảo tại Khóa họp 71 Đại Hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ trong tuần này.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết mối đe dọa của vấn đề vi khuẩn kháng thuốc đối với kinh tế thế giới sẽ khiến các nước khó có thể đạt được mục tiêu tiêu phát triển khi mà thế giới cam kết sẽ chấm dứt tình trạng đói nghèo và chia sẻ sự thịnh vượng./.

Tin liên quan
Tin khác