Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan thống nhất chủ đề, chuẩn bị kỹ nội dung của Diễn đàn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2019.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện; đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thuỷ hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Bên cạnh đó, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.