Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kết quả, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp thực hiện tập trung đất đai tăng quy mô sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa lớn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng suất lao động của Thái Bình.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Thái Bình |
Năm 2017, GRDP Thái Bình tăng 11,12%, giá trị sản xuất tăng 13,15% so với năm 2016 - là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng. Đến nay Thái Bình có 76% số xã và 1/7 huyện đạt tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. 100% xã, phường, thị trấn có nước sạch phục vụ nhân dân, trong đó 93% số hộ khu vực nông thôn đấu nối, sử dụng nước sạch. Đã có 100% thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công hai cấp tỉnh và huyện. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được UBND tỉnh Thái Bình triển khai kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. UBND tỉnh Thái Bình thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian, nội dung quy định. Tổng số nhiệm vụ của tỉnh Thái Bình được giao trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi 100% đạt và vượt tiến độ thời gian yêu cầu.
Tỉnh Thái Bình cũng đã đề xuất, kiến nghị Tổ công tác trình lên Chính phủ một số nội dung vấn đề, nhất là trên lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp: Như đề nghị Văn phòng Chính phủ hỗ trợ phần mềm quản lý cho tỉnh, trong đó có việc tích hợp giữa việc quản lý nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và nhiệm vụ các Bộ, ngành giao địa phương với mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ từ nguồn dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 cho Dự án tuyến đường nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, với số vốn gần 1.800 tỷ đồng, bằng 70% số vốn còn thiếu của Dự án; sớm bố trí vốn đề tổ chức thi công Dự án tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thái Bình; đề nghị bổ sung Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp (dự án Liên doanh Ô tô Trường Hải và Tập đoàn Lộc Trời) vào quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp Việt Nam... cùng một số kiến nghị khác.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo, đây là đơn vị thứ 48, và là tỉnh thứ 8 Tổ công tác của Thủ tướng làm việc. Bộ trưởng đã tổng hợp trả lời các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh Thái Bình. Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thay mặt Tổ công tác gửi lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ tới UBND tỉnh Thái Bình: “Đoàn kết, thống nhất toàn diện, sáng tạo, năng động …”
Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Bình là tỉnh đi những bước rất chắc chắn và bài bản. Kinh tế hộ phát triển rất tốt, tất cả các hoạt động xã hội, là ít tỉnh có 100% có nước sạch, rác thải nông thôn thu gom đạt yêu cầu rất cao, điều kiện tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Tỉnh đã có một huyện và 200 xã có 76% xã đạt chuẩn nông thôn mới đây là tỷ lệ đạt rất cao. Tạo công ăn việc làm, sắp xếp qui hoạch khu dân cư, gắn kết các nhà máy may tại các khu nông nghiệp để tạo việc làm cho người dân. Sáng tạo trong cải cách hành chính như luân chuyển cán bộ… Năng động tìm ra cái mới trong việc tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, và các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm Trung tâm hành chính công Thái Bình, đoàn đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình. Đây chính là mô hình hướng tới chính quyền điện tử theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.