Thời sự
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng: Tỷ lệ doanh nghiệp trở lại sản xuất rất cao
Hà Nguyễn - 18/11/2021 16:40
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, góp phần đưa số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động với tỷ lệ rất cao.
TIN LIÊN QUAN

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về hoạt động của Tổ trong tháng 10/2021, cũng như kế hoạch hoạt động những tháng cuối năm.

Cụ thể, theo văn bản do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ phó thường trực Tổ công tác, ký gửi Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác, trong tháng 10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Thường trực Tổ công tác, đã tiếp nhận vướng mắc, khó khăn của 17 đơn vị.

Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, phối hợp với các thành viên Nhóm giúp việc nghiên cứu đề xuất các phương án xử lý, cập nhật tiến độ, đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Phát huy những kết quả tích đã đạt được, Tổ công tác tiếp tục chủ động làm việc, nắm bắt kịp thời và giải quyết các kiến nghị, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Trong số các kiến nghị này, có các nội dung về sửa đổi quy định về đăng ký thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế; đề nghị Bảo hiểm Y tế chi trả các chi phí xét nghiệm Covid-19 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; rồi chính sách cách ly người nhập cảnh; hỗ trợ thông quan hàng hóa thuộc diện miễn thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, miễn tiền chậm nộp, tiền thuê đất…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện nhiệm vụ được giao, Thường trực Tổ công tác đã kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn quy định tạm thời “Thích ứng” để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh; cũng như quy trình xét nghiệm đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh; về giao nhận, vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở kiến nghị của Thường trực Tổ công tác, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Việc ban hành các chính sách, hướng dẫn linh hoạt này, có thể nói, đã tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp và địa phương khôi phục sản xuất - kinh doanh theo tình hình mới. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã quay trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tỷ lệ rất cao.

Chẳng hạn, tỉnh Đồng Nai có 1.656/1.713 doanh nghiệp đang hoạt động (đạt tỷ lệ 97%), với tổng số lao động đang làm việc là 525.136/615.358 người (đạt tỷ lệ 85%); các doanh nghiệp ở các hiệp hội như Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Vận tải… có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại sản xuất trên 90%, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc trên 70%...

Cùng với đó, báo cáo cho biết, trong thời gian qua, Tổ công tác đã chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 105/NQ-CP. Theo đó, các bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng.

Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, trong đó bao gồm chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... của Bộ Tài chính

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới, hạ lãi suất…, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển.

Số liệu tổng hợp cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2021, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; đồng thời cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch cho hơn 1,2 triệu khách hàng…

Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng đã tập trung xử lý một số vướng mắc cụ thể cho các doanh nghiệp, ví dụ của Tập đoàn Dell, của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC)…

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao các quyết sách, giải pháp của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp dần phục hồi sản xuất, củng cố niềm tin của doanh nghiệp.

Hiện nay và kế hoạch trong những tháng cuối năm, Tổ công tác tiếp tục chủ động làm việc, nắm bắt kịp thời và giải quyết các kiến nghị, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác