Điểm nóng
Tòa tuyên Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun, nhiều tài xế Vinasun vào khuôn viên tòa... hát hò
Việt Dũng-B.Minh - 29/12/2018 09:27
Ngày 28/12/2018, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun.
Tòa sơ thẩm tuyên án Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun

Không đủ cơ sở để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun

Mở đầu phiên xét xử, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa cho thấy, Grab đã không tuân thủ quy định của pháp luật về hoạt động vận tải hành khách như không có tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu và 2 bên cánh cửa xe; nhiều xe không có phù hiệu, không có bản chính hoặc bản sao hợp đồng, không có danh sách hành khách đi xe...

Tuy nhiên, “điểm mấu chốt nhất của vụ kiện là cơ sở đánh giá thiệt hại theo yêu cầu đơn kiện thì Vinasun lại không chứng minh được”, đại diện Viện kiểm sát tuyên bố.

Hơn nữa, trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án, sự có mặt của Công ty Cửu Long - đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định và xây dựng báo cáo thiệt hại, là điều cần thiết. Tuy nhiên, dù đã được TAND TP.HCM triệu tập rất nhiều lần, nhưng Công ty Cửu Long đã không đến để trực tiếp trình bày và giải thích những vấn đề liên quan đến kết quả giám định.

“Công ty giám định Cửu Long xác định toàn bộ thiệt hại của Vinasun do Grab gây ra là không đủ cơ sở. Bởi nội dung kết luận giám định không phản ánh đúng và đầy đủ các yếu tố gây giảm sút lợi nhuận của Vinasun”, đại diện Viện kiểm sát nói và cho biết thêm, kết luận giám định của Công ty Cửu Long căn cứ vào việc giảm giá cổ phiếu của VNS để làm căn cứ xác định giảm sút về lợi nhuận là chưa phù hợp.

Về doanh thu, ngoài doanh thu về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, Vinasun còn có doanh thu về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, doanh thu nhượng quyền thương mại và khai thác taxi, doanh thu từ bán bất động sản đầu tư và các doanh thu khác... Như vậy, hoạt động kinh doanh của Vinasun có nhiều lĩnh vực, nhưng nguyên đơn không bóc tách riêng những chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải hành khách bằng taxi để làm cơ sở chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, buộc Grab bồi thường.

“Do vậy, không đủ cơ sở để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường thiệt hại với số tiền 41,2 tỷ đồng”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.

Đại diện Viện kiểm sát cho biết thêm, thông qua vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM sẽ có báo cáo đề xuất đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách nhằm tạo sự công bằng và bình đẳng cho những đơn vị tham gia.

Đáng chú ý, ngay sau khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM phát biểu quan điểm, đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, khá đông tài xế của Vinasun đã đến trước cổng trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM. Trong thời gian Tòa làm việc và tuyên án, hàng trăm tài xế đã vào trong khuôn viên TAND TP.HCM... hát hò.

Nhiều tài xế Vinasun tạo áp lực ngoài tòa

Sau khi nghe Viện kiểm sát trình bày, HĐXX cho rằng, có căn cứ để xác định Grab đã thực hiện việc kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (tức taxi) nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật, và HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun.

“Không chấp nhận yêu cầu của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam đòi Công ty TNHH Grab bồi thường thiệt hại số tiền 42 tỷ đồng”, đại diện HĐXX nói.

Grab sẽ kháng án

Trả lời báo chí ngay sau buổi xét xử, Luật sư Lưu Tiến Dũng, người đại diện và bảo vệ quyền lợi của bị đơn chia sẻ, đây là một phiên tòa HĐXX đã đi quá xa so với thẩm quyền của mình. Bởi toà án chưa đầy đủ chức năng định danh một doanh nghiệp hoạt động theo lĩnh vực nào, nhưng hôm nay, toà án lại định danh hoạt động của Công ty Grab là hoạt động kinh doanh vận tải.

"Thông qua vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM sẽ có báo cáo đề xuất đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách nhằm tạo sự công bằng và bình đẳng cho những đơn vị tham gia".

Đồng thời, toà cũng đi quá xa ngoài phạm vi chức năng của mình là đã xác định việc bị đơn là Grab đã vi phạm đề án thí điểm, vi phạm pháp luật về giao thông vận tải.

“Đây là một điểm tôi rất là thất vọng với phán quyết của toà, bởi vì việc này thuộc chức năng quản lý của nhà nước, của cơ quan chính phủ”, Luật sư Dũng nói và cho biết thêm.

Điểm cuối cùng luật sư Dũng nhấn mạnh là về mặt pháp lý, toà đã không có cơ sở để chấp nhận kết luận giám định của Công ty Cửu Long và cũng không có cơ sở để đưa ra mức bồi thường 4,8 tỷ đồng buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun.

“Với tất cả những kết luận chính như vậy thì tôi cho rằng, Công ty Grab sẽ kháng cáo bản án này lên toà án cấp cao tại TP.HCM để yêu cầu xem xét lại vụ việc tại phiên toà phúc thẩm. Quan trọng hơn cả, tôi nghĩ rằng, công lý cũng sẽ phải đến, không thể lợi dụng phiên toà thủ tục tư pháp để can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường, cũng như việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, xã hội”, Luật sư Dũng chia sẻ.

Mặc dù đây chỉ là bản án sơ thẩm nhưng đã gây được nhiều sự chú ý của dư luận và một số luật sư. Đơn cử, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng, mặc dù đây chỉ là cấp sơ thẩm và bị đơn có quyền kháng cáo, nhưng cách làm như thế này sẽ  làm không tâm phục khẩu phục.

Tin liên quan
Tin khác