Tối 21/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” đã kết thúc.
Theo đó, bị cáo Hằng bị tuyên phạt 3 năm tù; bị cáo Đặng Anh Quân (45 tuổi, cựu giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM) bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam tại phiên xét xử. |
Bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) đều bị tuyên phạt mức án 1 năm 6 tháng tù về tội danh trên.
Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường cho nhà báo Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan 18 triệu đồng. Do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, vợ chồng Thuỷ Tiên... đã thay đổi yêu cầu, không buộc bà Hằng phải bồi thường nên tòa không xem xét.
Trước đó, khi nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Phương Hằng bày tỏ sự ân hận, đau khổ khi không kiềm chế được bản thân để trở thành bị cáo như hôm nay. Từ đó, bỏ dở bao nhiêu tâm huyết giúp cho người nghèo, người bệnh tật suốt 18 tháng qua.
Bị cáo mong tòa xem xét vì sao bị cáo phạm tội, xem xét bị cáo đã đóng góp cho xã hội, hoạt động bền lâu, không phải muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ. Bị cáo làm lâu dài, như trong đại dịch bị cáo bán nhà bỏ tiền mua bình oxy, bảo lãnh công ty mua oxy để cứu dân trong đại dịch...
Nói lời sau cùng, các bị cáo khác cũng mong muốn tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo để về lo cho gia đình. Riêng bị cáo Tân nói không ân hận và bị cáo Đặng Anh Quân vẫn cho rằng bị oan.
Theo ông Quân, việc ông tham gia các buổi livestream không có mục đích xúc phạm người khác. Thay vào đó, ông biết bà Hằng bản chất là người tốt nên tham gia nhằm tiết chế lại những sai phạm của bà.
Tuy nhiên, HĐXX xác định, từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, bà Phương Hằng và 4 bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, thực hiện 57 buổi livestream tại nhà riêng trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP HCM) và Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) có nội dung xúc phạm nghiệm trọng danh dự, uy tín của 10 người: ca sĩ Vy Oanh, Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Hoài Linh, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển...
Bà Hằng đã mời bị cáo Đặng Anh Quân tham gia 11 buổi livestream với vai trò cố vấn pháp lý để tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình.
Theo tòa, hành vi của các bị cáo vi phạm Luật An ninh mạng và Nghị định 72/2013/NĐ-CP; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
“Các bị cáo nhận thức được hành vi của mình, cố ý thực hiện nhiều buổi livestream xúc phạm, xuyên tạc, vu khống, xâm phạm đến danh dự, uy tín của nhiều người. Vì vậy, phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung”, bản án nêu.
Trong đó, bị cáo Hằng có vai trò chủ mưu, khởi xướng; Nhi, Tân, Hà là đồng phạm giúp sức.
“Bị cáo Quân cho rằng mình bị oan, song đây là quyền của bị cáo. Tòa căn cứ các chứng cứ thu thập được, xác định các bị cáo đã vi phạm quy định của Luật An ninh mạng, lợi dụng quyền tự do dân chủ xúc phạm người khác”, HĐXX nhận định.
Đối với việc luật sư cho rằng các bị cáo còn phạm thêm tội khác, tòa cho biết hành vi của các bị cáo đã thoả mãn dấu hiệu cấu thành nhiều tội như: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Vu khống; Làm nhục người khác.
Trong đó, tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có hình phạt nặng nhất, nên theo nguyên tắc thu hút tội danh, các bị cáo bị xử lý về tội này.