Dù đã có rất nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của việc dùng điện thoại trong lúc sạc, nhất là với những phụ kiện sạc, cáp không rõ nguồn gốc, nhưng các vụ tai nạn liên quan vẫn xảy ra, thậm chí có người tử vong.
Người dân cần bỏ thói quen vừa sạc điện thoại vừa dùng vì đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra. |
Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức cho biết vừa tiếp nhận nam bệnh nhân ở Hà Nội vào viện với nhiều vết thương nghiêm trọng do dùng điện thoại khi đang sạc và điện thoại bất ngờ phát nổ.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân, Khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức cho biết, nam bệnh nhân có vết thương môi trên kích thước 2x2cm, dập nát, mất hết phần mềm ngón 1, 2; cụt chấn thương ngón 1, vết thương ngón 3 tay trái; vết thương 3cm vùng cẳng chân bên phải…
Trước đó một tháng, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một nam thanh niên đến cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, toàn thân cháy sém và nhiều tổn thương vì tai nạn do dùng điện thoại khi đang sạc.
Các bác sĩ Khoa Mắt, nơi điều trị cho thanh niên này cho hay, qua khai thác thông tin, buổi tối xảy ra tai nạn, người cùng nhà bệnh nhân bất ngờ nghe tiếng nổ lớn phát ra từ phòng riêng của anh này.
Khi bệnh nhân được sơ cứu hồi tỉnh, anh chia sẻ là do sử dụng điện thoại khi đang sạc, bất ngờ điện thoại bị nổ. Gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức cấp cứu, loại bỏ nhiều dị vật trên cơ thể.
Tuy nhiên, do hai mắt của người bệnh không nhìn thấy gì nên người bệnh được chuyển sang Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện rất nhiều dị vật trong mắt như: Dị vật giác mạc và nội nhãn gây đục thể thủy tinh bong võng mạc.
Bệnh nhân có chỉ định mổ lấy dị vật giác mạc, nội nhãn và lấy thể thủy tinh. Với chấn thương này, các bác sĩ đánh giá khả năng hồi phục thị lực của bệnh nhân là rất thấp, nguy cơ mù cao, mất khả năng lao động.
Ngoài mắt, tay trái của bệnh nhân cũng bị gãy phải xử lý nẹp đinh, thủng màng nhĩ hai bên và lấy được nhiều dị vật thủy tinh trên mặt.
Tương tự, đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận điều trị cho bé gái B.A. (29 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị điện giật ngừng tim, bất tỉnh, bỏng sâu toàn bộ lòng bàn tay trái do sạc pin điện thoại.
Theo mẹ cháu bé kể lại, ngày 18/3/2022 (trước khi vào viện một tuần), trẻ chơi cùng chị gái 5 tuổi còn người nhà nấu cơm, thấy điện thoại đang sạc pin, trẻ đã tự ý rút sạc điện thoại để chơi, khiến trẻ bị điện giật. Sau tai nạn, trẻ nằm bất tỉnh, tím tái, lòng bàn tay trái cháy đen.
Một vụ việc đau lòng khác cũng xảy ra tại Hà Tĩnh. Ngày 22/3/2022, lãnh đạo UBND xã Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) xác nhận, trên địa bàn vừa có một người phụ nữ tử vong nghi do dùng điện thoại khi đang sạc.
Còn tại Quảng Ninh, vào tháng 7/2021 cháu T.M.K. (SN 2014, ở thôn Quan Điền - Khe Thần, xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí) được người nhà phát hiện trong tình trạng nằm bất tỉnh trên nền đất đè lên điện thoại đang sạc pin tại phòng ngủ nhà riêng. Kiểm tra trên người cháu K. còn có vết bỏng, cháy.
Mặc dù đã gia đình đã tiến hành sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng vẫn không kịp, cháu K. đã tử vong sau đó. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháu K. tử vong là do bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc pin.
Sáng 12/8/2021 lãnh đạo xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) xác nhận, trên địa bàn xã vừa xảy ra tai nạn làm một cháu nhỏ tử vong. Nạn nhân là N.H.L.N. (7 tuổi), trú tại Khu 11, xã Hoàng Xá, tử vong khi đang đeo tai nghe trong lúc điện thoại đang sạc pin.
Tương tự, tại Nam Đàn, Nghệ An vào tháng 10/2021 có vụ việc một nam sinh trong quá trình học online đã sạc điện thoại khiến lửa bén vào áo khoác mà nam sinh đang mặc rồi ùng cháy khiến nam sinh bỏng nặng và tử vong.
Các vụ tai nạn liên quan việc dùng điện thoại trong lúc sạc vẫn liên tục xảy ra ở nhiều địa phương. Nạn nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau và các tổn thương cũng đa dạng với nhiều mức độ, thậm chí đã có trường hợp tử vong.
Ðể phòng tránh tai nạn khi dùng điện thoại, các chuyên gia lưu ý không sử dụng sạc, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Các loại sạc, pin trôi nổi, đã cũ lại không bảo quản đúng cách… dễ dẫn đến bị đứt gãy dây ở bên trong và khi cắm điện sẽ có nguy cơ gây chập điện.
Ðặc biệt, người dân tuyệt đối không được dùng điện thoại khi đang cắm sạc dù là sử dụng trực tiếp như nhắn tin, gọi điện, chơi điện tử… hay dùng tai nghe cắm vào điện thoại.
Kể cả dùng đồ chính hãng, cháy nổ vẫn có thể xảy ra nếu dùng điện thoại trong lúc sạc. Một trong những lý do là việc sạc điện thoại làm pin nóng lên, cùng lúc đó sử dụng điện thoại làm dòng điện tăng càng làm điện thoại nóng lên. Khi đó, pin phồng to dẫn tới nổ pin.
Chuyên gia khuyến cáo sạc phải luôn được rút ra khỏi ổ cắm khi không sử dụng, ổ cắm điện phải có thiết bị che bảo vệ vì đã có trường hợp bị điện giật vì sờ vào sạc đang cắm.
Các thiết bị sạc điện thoại thường có bộ phận đổi điện áp, có đầu ra điện áp rất thấp. Tuy nhiên, nếu dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi, thì vẫn có thể gây nguy hiểm. Việc rút sạc này rất quan trọng, đặc biệt với vùng có khí hậu nồm ẩm vì có nguy cơ làm chập mạch điện dễ xảy ra hỏa hoạn.
Với gia đình có trẻ nhỏ, việc dùng sạc các thiết bị điện nói chung và sạc điện thoại nói riêng càng phải cẩn trọng. Ðối với trẻ nhỏ, vốn rất hiếu động, hay nghịch ngợm và tò mò và thực tế các vụ tai nạn liên quan đến sạc điện thoại xảy ra không hiếm, chủ yếu do các bé nghịch sạc điện thoại vẫn cắm vào nguồn điện hoặc do cầm điện thoại chơi khi đang sạc.
Do vậy, các gia đình cần đặt điện thoại đang sạc ở xa tầm với của bé; bảo đảm dây sạc được đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách. Nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ cần luôn có người trông coi, theo dõi thật cẩn thận.
Ngoài ra, người dùng điện thoại không nên nói chuyện điện thoại quá lâu, khi thấy điện thoại bị nóng, cần dừng cuộc trò chuyện đến khi điện thoại quay trở về bình thường rồi mới dùng tiếp.
Khi phát hiện điện thoại có những dấu hiệu như nóng lên bất thường, cần nhanh chóng rút sạc ra khỏi ổ điện ngay để giảm nhiệt cho pin điện thoại. Khi thấy dây sạc có dấu hiệu hỏng, đứt, cần phải kiểm tra và thay thế bằng dây sạc mới để bảo đảm an toàn.