Thời sự
Tồn đọng hơn 84.000 bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói gì?
Tú Ân - 07/06/2023 10:46
Bức xúc vấn đề đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa bị tồn đọng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp.

Bức xúc tồn đọng đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa 

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) chất vấn về việc, người dân và doanh nghiệp bức xúc vấn đề đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa bị tồn đọng và không được giải quyết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết hiện tại Bộ KHCN vẫn đang rất trăn trở về việc tồn đọng đơn xin cấp phép quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế… do khả năng xử lý đơn của đơn vị vẫn còn hạn chế, một phần do số lượng đơn đăng ký tăng mạnh trong thời gian qua, một phần do đây là một lĩnh vực vẫn còn mới.

Thủ tục, quy trình xử lý đơn đăng ký vẫn còn chậm, chưa ứng dụng được các công nghệ và hạn chế về nguồn nhân lực dẫn đến số lượng đơn tồn đọng về đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu vẫn còn rất lớn.

Đến 31/12/2022, còn trên 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng hơn 20.000 đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý.

Bộ KHCN sẽ tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận và xét đơn, tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự để giúp xử lý vấn đề.

Tuy nhiên, ít nhất phải đến năm 2025 hoặc 2026 mới có thể giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ KH&CN trả lời chất vấn trước Quốc hội.. Ảnh: Duy Linh

Mức chi đầu tư phát triển KHCN

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về việc xác định mức chi đầu tư phát triển và tỷ lệ phần trăm tổng chi nhà nước cho KH&CN từ năm 2017 đến nay và hướng xử lý tình trạng phân bổ kinh phí sự nghiệp dàn trải.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận đây là vấn đề thực tế tại Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng Bộ KH&CN đã có giải pháp để trong thời gian tới để làm cho số nhiệm vụ, ngân sách tiền chi cho các nhiệm vụ KH&CN đảm bảo được hiệu quả.

Theo đó, giải pháp được Bộ KH&CN đưa ra là phê duyệt 19 chương trình KH&CN với mục tiêu, yêu cầu, dự kiến sản phẩm... với những nội dung cụ thể. Đây là cơ sở để hình thành khung số lượng, tầng ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ khoa học.

Làm gì để nâng cao năng lực tự chủ, đủ khả năng hỗ trợ doanh nghiệp?

Theo đại biểu Phùng Thanh Phương (Tây Ninh), tổ chức KH&CN công lập là cấu thành quan trọng của tiềm lực khoa học quốc gia. Ở phiên chất vấn, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nhà nước đã có những giải pháp, chính sách gì để nâng cao năng lực tự chủ, đảm bảo vai trò đi đầu, đủ khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Nghị định 60 quy định về tự chủ, tài chính cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhà nước. Đây là nghị định tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp có điều kiện phát huy tự chủ của mình để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên phải nói rằng các đơn vị sự nghiệp ở nước ta có rất nhiều loại hình, mỗi hệ thống lại có tính chất khác nhau. Cho nên Nghị định 60 không điều chỉnh được những đặc thù của lĩnh vực KH&CN, điển hình như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển... dẫn tới khi triển khai có nhiều vướng mắc.

Về hướng giải quyết, Bộ KH&CN đã khuyến nghị xây dựng nghị định riêng cho các tổ chức KH&CN công lập theo hướng toàn diện hơn, tự chủ về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, về tài chính và quản lý. 

Tin liên quan
Tin khác