Năm 2016, huyện Phú Xuyên phấn đấu giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 3.035 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2015. Ảnh: Kỳ Thành |
Đây là hoạt động thường niên (từ năm 2011) của huyện Phú Xuyên nhằm tri ân các bậc tiền nhân, Tổ nghề đã có công sáng tạo nghề và truyền nghề cho dân; động viên khích lệ và khen thưởng những nghệ nhân làng nghề có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất; đồng thời đưa ra định hướng phát triển bền vững làng nghề giai đoạn 2016 - 2020.
Huyện Phú Xuyên có nhiều làng nghề được hình thành từ cách đây vài trăm năm như: Khảm trai Chuyên Mỹ, nặn Tò he Xuân La, đan cỏ tế, may comple, đóng giày da, làm đồ gỗ cao cấp, cơ kim khí, dệt lưới...
Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng có của mỗi làng nghề và đã tạo dựng được thị trường ở hầu hết các tỉnh, thành trong nước. Một số sản phẩm mây giang đan, dệt được xuất khẩu ra nước ngoài.
Sự phát triển của làng nghề gắn liền với tổ chức tế, lễ, giổ tổ nghề, các lễ hội dân gian được tổ chức hàng năm cùng với việc giữ gìn các làn điệu dân ca như: hát chèo, múa bài bông, chầu văn, ca trù.... tạo nên văn hoá truyền thống phi vật thể làng nghề… Từ năm 2011, UBND huyện Phú Xuyên đã chọn ngày 26/10 hàng năm là ngày vinh danh làng nghề truyền thống của huyện.
Đến nay, toàn huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề chiếm 100%, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển, trong đó có 40 làng nghề được UBND TP. Hà Nội công nhận.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, các hộ, các làng nghề ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Thu nhập bình quân của lao động làm nghề năm 2015 là 27,6 triệu đồng/năm (năm 2014 là 27 triệu đồng/ năm).
Năm 2016, huyện Phú Xuyên phấn đấu giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 3.035 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2015; Thu nhập bình quân lao động từ ngành nghề đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, huyện Phú Xuyên sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tập trung phát triển làng nghề truyền thống có lợi thế gắn với du lịch làng nghề; nâng cao chất lượng, hiệu quả về sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề; xây dựng hình thành một số tuyến du lịch gắn với làng nghề. Cùng với đó, quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại của huyện để giới thiệu làng nghề phục vụ khách du lịch.
Cùng ngày, với sự phối hợp của Công ty cổ phần thương mại Gia Phạm, huyện Phú Xuyên đã tổ chức buổi tọa đàm định hướng phát triển làng nghề giai đoạn 2016-2020…