Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Tại cuộc hội kiến, Tổng Thư ký Ban Ki-moon bày tỏ những ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong chuyến thăm Việt Nam tháng Năm vừa qua và cho rằng chuyến thăm trụ sở Liên hợp quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng đến thăm trụ sở Liên hợp quốc và hội kiến với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon vào một thời điểm có ý nghĩa, đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của Liên hợp quốc. Tổng Bí thư đánh giá cao vai trò, nỗ lực và đóng góp to lớn của Liên hợp quốc trong 70 năm qua nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế, nhất là trong bối cảnh bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, khủng bố và tranh chấp lãnh thổ trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp và căng thẳng. Tổng Bí thư bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn về quan hệ hợp tác, hỗ trợ quý báu mà Liên hợp quốc và cá nhân Tổng Thư ký đã dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua, nhất là việc khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao quan hệ đối tác, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, những đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam vào việc thực hiện mục tiêu của Liên hợp quốc. Việt Nam là nước đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, qua đó thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với những vấn đề chung của thế giới.
Ông Ban Ki-moon mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc trong các hoạt động chung, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình; hoan nghênh những kết quả tích cực của Việt Nam trong bình đẳng giới; mong muốn Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện các trọng tâm ưu tiên của Liên hợp quốc năm nay, cũng như các sáng kiến và chương trình khác của Liên hợp quốc trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn ủng hộ và chung tay với Liên hợp quốc vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Tổng Bí thư đánh giá cao các sáng kiến và trọng tâm lớn mà Liên hợp quốc đang thúc đẩy; khẳng định Việt Nam ủng hộ và tích cực tham gia vào các nỗ lực chung kiểm điểm 25 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), xây dựng và hoàn thiện các chương trình, mục tiêu của Liên hợp quốc. Việt Nam rất coi trọng các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và sẽ tiếp tục tích cực tham gia trong thời gian tới. Tổng Bí thư mong muốn Liên hợp quốc và cá nhân Tổng Thư ký tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam duy trì được những thành quả thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu khác của Liên hợp quốc.
Trong cuộc gặp, Tổng Thư ký Ban Ki-moon và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tổng Thư ký Ban Ki-moon mong muốn các bên liên quan đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định sẽ tiếp tục thúc giục các bên liên quan tham gia đối thoại về vấn đề này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm và chia sẻ quan ngại của Liên hợp quốc và cá nhân Tổng Thư ký Ban Ki-moon về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông; bày tỏ mong muốn Liên hợp quốc và Tổng Thư ký tiếp tục quan tâm, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham quan Triển lãm ảnh “Việt Nam và Liên hợp quốc - Quan hệ đối tác vì một tương lai bền vững” do Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.
Triển lãm ảnh kỷ niệm gần 40 năm hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên hợp quốc qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ những ngày đầu viện trợ nhân đạo, phục hồi và tái thiết, cải cách toàn diện đến quá trình thực hiện MDGs và hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững.