Phiên đấu giá trực tuyến cổ phần của Tổng công ty Điện lực - Vinacomin có khối lượng đăng ký mua 1.206.300 cổ phần (trong đó, tổng khối lượng đặt mua hợp lệ 1.205.300 cổ phần). Mức giá đấu thành công cao nhất là 10.100 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phần (bằng mức giá dự kiến). Có tổng cộng 258 nhà đầu tư trúng thầu trong số 259 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá. Kết quả tổng giá trị cổ phần bán được là 12,053 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Tổng công ty Điện lực - Vinacomin sẽ bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2015.
Ông Nguyễn Văn Hải, thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay, trong bối cảnh kinh tế, điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay, đây là phiên đấu giá có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực - Vinacomin sang mô hình công ty cổ phần. Thời gian tới, Vinacomin sẽ tiếp tục lộ trình đẩy mạnh cổ phần hóa theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, theo phương án cổ phần hóa của Tổng công ty Điện lực - Vinacomin được phê duyệt, với số vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng, doanh nghiệp có cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu gồm 680 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa cũng nêu rõ, hình thức cổ phần hóa là kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Cũng theo phương án cổ phần, Nhà nước sẽ nắm giữ 442 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 1.608.040 cổ phần, chiếm 0,24% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 236.391.960 cổ phần, chiếm 34,76%% vốn điều lệ.
Tổng công ty Điện lực - Vinacomin khi hoạt động theo mô hình cổ phần sẽ kế thừa quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Điện lực - Vinacomin trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề mà Tổng công ty đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Điện lực - Vinacomin - Công ty cổ phần là Vinacomin. Tuy nhiên, với kết quả chỉ có 0,005% số cổ phần được đấu giá thành công trong tổng số 236.391.960 cổ phần mang ra bán đấu giá công khai, quãng đường để tạo ra sự thay đổi về chất trong hoạt động của Tổng công ty Điện lực - Vinacomin, cũng như tạo sự đa dạng trên thị trường điện xem ra còn nhiều chông gai.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Ngô Chí Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - Vinacomin cho hay, kết quả bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng công ty thấp như hiện tại cũng đã được dự báo trước, bởi chưa có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược.
“Chúng tôi có tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để mời gọi tham gia mua cổ phần khi Tổng công ty Điện lực - Vinacomin bán cổ phần. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị cho quá trình cổ phần hóa không dài, nên có thể các nhà đầu tư chiến lược chưa nghiên cứu kỹ để đi tới quyết định cuối cùng”, ông Thịnh nói và cho biết, định hướng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược là các đối tác đến từ các nước G7, Hàn Quốc. Mục tiêu được đưa ra là nhà đầu tư chiến lược mua tới 30% vốn điều lệ, thậm chí hơn càng tốt.
Bởi vậy, cho dù chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty Điện lực - Vinacomin vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Dẫu vậy, việc chưa tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược quan tâm mua cổ phần trong lần bán đấu giá công khai đầu tiên này không thể thiếu vắng nguyên nhân sâu xa là giá điện.
Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), đơn vị đang xây dựng phương án để thí điểm cổ phần hóa trong số các tổng công ty phát điện của EVN, cho hay, nút thắt lớn nhất trong việc cổ phần hóa và IPO Tổng công ty Phát điện 3 nói riêng cũng như nhiều doanh nghiệp khác của ngành điện nói chung vẫn là giá điện.
“Nếu giá tốt, thì có người mua”, ông Lê cho biết.
Trở lại với Tổng công ty Điện lực - Vinacomin, đơn vị này đang quản lý 1.550 MW và có một số dự án điện gần hoàn tất hoặc đang chuẩn bị đầu tư như Thủy điện Đồng Nai 5 (150 MW), Nhiệt điện than Na Dương 2 (100 MW), Nhiệt điện Cẩm Phả 3. Quản lý đa phần là các nhà máy nhiệt điện than có thể khởi động không phụ thuộc vào thời tiết mưa nắng, nhưng từ đầu năm 2015 tới nay, sản lượng điện huy động của các nhà máy thuộc Tổng công ty Điện lực - Vinacomin lại chưa cao như kế hoạch đề ra, mức giá cũng chưa tốt như dự kiến, bởi nhu cầu của thị trường điện còn thấp.