Siêu tàu MSC VIGOUR III cập cảng SSIT - cảng có vốn góp của SSA Marine (Hoa Kỳ) và VIMC, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn. |
Theo đó, tính đến hết tháng 6/2024, VICM đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất là 8.244,76 tỷ đồng, tăng 2.056 tỷ đồng với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 1.616 tỷ đồng.
Nguyên nhân chênh lệch chủ yếu do lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 48 tỷ đồng; lợi nhuận tài chính tăng 69 tỷ đồng; lãi trong công ty liên doanh liên kết tăng 3 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 765 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, Công ty Mẹ - VIMC đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 706 tỷ đồng, giảm khoảng 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, tăng 645 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm 30/6/2024, VIMC có tổng tài sản là 29.385 tỷ đồng, tăng 1.851 tỷ đồng với đầu năm 2024; nợ phải trả là 13.019 tỷ đồng, tăng 851 tỷ đồng so với đầu năm 2024.
Trước đó, VIMC đạt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 17.742 tỷ đồng (99% ước thực hiện 2023); lợi nhuận đạt 2.169 tỷ đồng (104% ước thực hiện 2023 và cao hơn 2023 do thanh lý tàu già hết khấu hao).
Kết quả này cho thấy những giải pháp trong điều hành SXKD của VIMC đã mang lại hiệu quả nhất là trong tình hình thế giớt iếp tục căng thẳng, leo thang tại nhiều khu vực kéo theo nhiều hệ lụy, sức tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi gây ảnh hưởng tới nhu cầu vận tải hàng hóa trong năm 2024.
Các yếu tố như hạn hán tại kênh đào Panama, những cuộc tấn công lên các tàu thuyền thương mại liên tục leo thang ở khu vực biển Đỏ, kênh đào Suez gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự kiến nguồn cung tàu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 khi các hãng tàu bắt đầu nhận bàn giao tàu mới sau 2 năm chờ đóng.
Ngược lại, năm 2024, dự báo chỉ có số lượng thấp tàu được đem đi phá dỡ. Bên cạnh đó, ngành hàng hải còn phải tìm cách đáp ứng xu hướng của thế giới trong việc giảm phát thải.
Ngay trong năm 2024, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ áp dụng Chương trình kiểm soát Khí thải (ETS) đối với ngành vận tải biển. Khi triển khai thực tiễn, các tàu sẽ phải trả tiền phạt cho lượng CO2 phát thải ra khi vận tải ở vùng biển châu Âu. Yếu tố này buộc các hãng tàu phải đưa ra các giải pháp mới, hoặc tăng giá cước vận chuyển giành cho khách hàng, hoặc đưa tàu đi khai thác các tuyến vận chuyển mới.
VIMC chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và trở thành công ty đại chúng từ tháng 8/2020 với số vốn điều lệ 12.005 tỷ đồng. Đơn vị này đang kinh doanh 3 lĩnh vực gồm: vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Phát triển dịch vụ chuỗi logistics tích hợp trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải.
Trong đó, lĩnh vực cảng biển đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu; lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng. Kết thúc năm tài chính 2023, VIMC có tổng tài sản 27.537 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 15.368 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất đạt 13.964 tỷ đồng (bằng 105% so với năm 2022), trong đó: doanh thu vận tải biển đạt 6.725 tỷ đồng (tăng 31% so với kế hoạch 2023); doanh thu cảng biển đạt 6.506 tỷ đồng (giảm 6% so với kế hoạch 2023) và doanh thu dịch vụ hàng hải đạt 1.549 tỷ đồng (giảm 20% so với kế hoạch 2023).
Lợi nhuận hợp nhất đạt 2.126 tỷ đồng (bằng 70% so với năm 2022), cụ thể: lợi nhuận khối cảng biển là 1.767 tỷ đồng (đạt 94% kế hoạch 2023), lợi nhuận khối dịch vụ hàng hải là 68 tỷ đồng (đạt 94% kế hoạch 2023), lợi nhuận khối vận tải biển là 604 tỷ đồng (đạt 95% so với kế hoạch 2023).