Sức khỏe doanh nghiệp
Tổng công ty Licogi: Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và truy thu thuế
Duy Bắc - 11/09/2022 08:16
Cục Thuế TP. Hà Nội quyết định việc xử lý vi phạm hành chính về thuế đối với Tổng công ty Licogi - CTCP (mã LIC - sàn UPCoM) về các hành vi vi phạm.

Thứ nhất, về thuế GTGT, Công ty kê khai khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh; kê khai chỉ tiêu 39 đối với phần thuế GTGT đã nộp của hoạt động kinh doanh xây dựng cùng tỉnh, thành phố trực thuộc; kê khai thiếu doanh thu phí sử dụng vốn vay, doanh thu chuyển nhượng chứng khoán; không phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ cho doanh thu không chịu thuế; kê khai thuế GTGT mua vào đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên tờ khai 02/GTGT.

Công ty chưa thực hiện theo quy định Điều 14, Điều 15, mục 1, Điều 20, mục 2, Chương III, thông tư 219/2013/TT-BTC; điều 4, chương I, thông tư 219/2013/TT-BTC; khoản c, Điểm 1, Điều 11, Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Thứ hai, về thuế thu nhập cá nhân, Công ty chưa thực hiện kê khai điều chỉnh tăng thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2018 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Tổng hình phạt bằng tiền là 234,68 triệu đồng. Trong đó, phạt 161,23 triệu đồng do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp; phạt 35 triệu đồng do có hành sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; phạt 4 triệu đồng do có hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế; phạt 34,45 triệu đồng do có hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.

Thêm nữa, Công ty cũng phải nộp bổ 872,68 triệu đồng. Trong đó, 806,17 triệu đồng là số tiền thuế thu nhập cá nhân năm 2018 còn thiếu; và 66,51 tỷ đồng là tiền chậm nộp tiền thuế thu nhập cá nhân thiếu.

Tổng số tiền truy thu và nộp bổ sung là hơn 1,1 tỷ đồng.

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ Báo cáo tài chính bán niên năm 2022

Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế. Trong đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra cơ sở cho ý kiến ngoại trừ.

Đối với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, tính đến thời điểm 1/1/2022, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế 393,1 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Licogi tiếp tục thực hiện vốn hóa lãi vay vào “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” là 1,4 tỷ đồng. Theo đó, tổng giá trị chi phí lãi vay đã được vốn hóa lũy kế đến 30/6/2022 là 394,5 tỷ đồng.

Vì dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt kéo dài nên Kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án này theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - chi phí đi vay.

Đến thời điểm 1/1/2021, Licogi đã vốn hóa một phần lãi vay của các hợp đồng vay giải ngân với mục đích tài trợ cho dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt là 72,99 tỷ đồng vào khoản mục “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn”, Bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ tại thời điểm 1/1/2022, chỉ tiêu “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” phản ánh cao hơn số tiền 72,99 tỷ đồng và chỉ tiêu “lỗ lũy kế đến cuối năm trước” phản ánh thấp hơn số tiền tương đương.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Licogi đã ghi nhận khoản chi phí lãi vay này vào chỉ tiêu “chi phí tài chính” trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất giữa niên độ là 72,99 tỷ đồng.

Theo đó, trên báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu “chi phí tài chính” đang phản ảnh cao hơn chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” phản ảnh thấp hơn số tiền tương ứng.

Đối với các khoản công nợ phải thu và dự phòng phải thu khó đòi, kiểm toán cho biết tại thời điểm 1/1/2022 và 30/6/2022, các công ty con của Licogi đang ghi nhận một số khoản phải thu mà kiểm toán viên không đánh giá được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ cũng như đánh giá tổn thất của các khoản nợ phải thu này.

Trong đó, phải thu tại CTCP Licogi 15 là 89,2 tỷ đồng; CTCP Lắp máy Điện nước – Licogi 10,5 tỷ đồng; CTCP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 là 81,3 tỷ đồng; và CTCP Licogi 10 là 23,2 tỷ đồng.

Đối với các khoản công nợ phải trả, tại ngày 1/1/2022 và 30/6/2022, tại các công ty con của Licogi đang ghi nhận một số khoản nợ phải trả, nhưng kiểm toán không thể thu thập được các tài liệu cần thiết để xác định được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ của các khoản nợ phải trả này.

Trong đó, các khoản công nợ phải trả chủ yếu 109,56 tỷ đồng tại CTCP Licogi 15; 0,9 tỷ đồng tại CTCP Lắp máy Điện nước – Licogi; 182,4 tỷ đồng tại CTCP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20; và 42,8 tỷ đồng tại CTCP Licogi 10.

Ngoài ra kiểm toán nhấn mạnh: “Tại thời điểm 30/6/2022, lỗ lũy kế của Licogi là 599,95 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền là 1.174,67 tỷ đồng. Do đó, khả năng hoạt động liên tục của Licogi sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ các chủ sở hữu, đối tác … Những điều kiện này cùng những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trong yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Licogi".

Nhà nước là cổ đông lớn nhất của Licogi

Tính tới cuối quý II, Licogi có 3 cổ đông lớn gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 40,71% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông sở hữu 35% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường sở hữu 19,4% vốn điều lệ; và còn lại 5,05% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Licogi được thành lập năm 1995 trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp các xí nghiệp thi công cơ giới và Công ty Xây dựng số 18. Năm 2017, cổ phiếu công ty giao dịch trên thị trường UPCoM.

Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Thi công và xử lý nền móng các loại công trình, khoan nổ mìn, các công trình ngầm; Sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm cơ khí, vật tư, máy móc thiết bị, nguyên nhiên liệu, các chủng loại vật liệu xây dựng, công nghệ xây dựng; Đầu tư kinh doanh các dự án về nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp, đầu tư và kinh doanh phát triển hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng các công trình thủy lợi, cấp thoát nước, thủy điện, nhiệt điện, bưu điện; Cung ứng và quản lý nguồn nhân lực.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/9, cổ phiếu LIC tăng 2.900 đồng lên 23.000 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác