Theo ông Cẩn, hệ thống thông quan điện tử của Hải quan Việt Nam do Chính phủ Nhật tài trợ và đã được thông quan tự động từ nhiều năm nay. Theo đó, tất cả đăng ký tờ khai và thủ tục hải quan là 24/7, tức là không có ngày nghỉ và doanh nghiệp khai được ở mọi lúc mọi nơi.
Ông Nguyễn Văn Cẩn- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Ảnh:st |
Ở đây đối chiếu với điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ và thực hiện quyết định của Bộ trưởng Công thương thì 0g ngày 12/4 hệ thống thông quan của Hải quan mở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, cho các doanh nghiệp tự động đăng ký tờ khai như các mặt hàng khác. Điểm khác biệt là giới hạn trong 400.000 tấn theo hạn ngạch được cho phép.
Thống kê của hải quan cũng cho hay, từ 0g ngày 12/4 tới 6g15 phút ngày 12/4, các doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai và trên hệ thống thể chỉ còn dư 11 tấn. “Do vậy, các doanh nghiệp đăng ký tờ khai lớn hơn số lượng 11 tấn này thì sẽ bị hất ra, hệ thống không chấp nhận, chứ không có tác động của công chức hải quan. Đây là việc tự động, không có sách nhiễu, phiền hà hay tạo ra cơ chế xin cho với doanh nghiệp”, ông Cẩn nói và cho biết thêm, trong quá trình xuất nhập khẩu gạo trước đó khi được yêu cầu dừng xuất khẩu thì Hải quan cũng tiến hành dừng ngay trên hệ thống từ 0g ngày 12/3.
Trước thực tế việc thông quan hải quan với mặt hàng gạo được thực hiện quá nhanh chóng trong ngày 12/4, ông Cẩn cũng cho hay, ngay từ khi dừng xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng và có ý kiến là phải kiểm soát bằng hạn ngạch, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có kiến nghị bằng văn bản với Chính phủ và Bộ Công thương việc phải thu mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia trước khi tiến hành cho xuất khẩu gạo trở lại.
Ở đây có chuyện 28 doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ với số lượng 179.000 tấn gạo. Tuy nhiên, khi rậm rạp có chính sách cho xuất khẩu gạo trở lại, một số doanh nghiệp đã huỷ kết quả đấu thầu, khiến Tổng cục Dự trữ không mua được gạo dự trữ.
“Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Công thương bao giờ mua đủ dự trữ mới cho xuất khẩu gạo tiếp. Tuy nhiên chính sách ra thì chúng tôi thực hiện”, ông Cẩn cho hay.
Để câu chuyện xuất khẩu gạo thời gian tới được thực hiện công khai và minh bạch hơn, ông Cẩn cũng cho hay, cần phải thực hiện mua xong lượng gạo dự trữ, cân đối an ninh lương thực xong mới cho xuất khẩu gạo.
Việc xuất khẩu gạo với hạn ngạch như Bộ Công thương đề xuất cũng được người đứng đầu cơ quan hải quan cho rằng nên theo hướng đấu thầu hạn ngạch hoặc nếu vẫn làm như cách hiện nay là trừ lùi trên hệ thống tờ khai hải quan thì sẽ khống chế số lượng tờ khai tối đa của doanh nghiệp. Cơ quan hải quan sẽ thực hiện cập nhật 1 tiếng một lần trên website hải quan về số lượng doanh nghiệp đúng tinh thần tạo điều kiện cho xuất khẩu, cho doanh nghiệp và người nông dân lẫn đảm bảo an ninh lương thực như Chính phủ yêu cầu.
Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex có lượng gạo đăng ký thông quan thành công lớn nhất với hơn 96.000 tấ, chiếm gần 1/4 hạn ngạch xuất khẩu gạo của tháng 4/2020. Ảnh:st |
Được biết, trong số 40 doanh nghiệp đã thục hiện thành công thông quan tự động khi quyết định xuất khẩu gạo được triển khai có Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn.
Một số doanh nghiệp có số lượng thông quan thành công lớn là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là 38.350 tấn, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Công ty cổ phần Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…
Các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Quốc tế Gia, Công ty cổ phần TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu lương thực Ngọc Lợi… có lượng đăng ký thông quan từ 11.000 - 17.000 tấn…
Các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Hiệp Tài, Công ty TNHH thương mại Chiến Thắng có số lượng đăng ký thông quan dưới 100 tấn/đơn vị.