Thời sự
Tổng cục Hải quan lên tiếng về việc đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.999 tấn gạo trong “chớp mắt”
Thanh Hương - 13/04/2020 22:10
Theo Tổng cục Hải quan, kể từ 24h ngày 11/4 tới 19 giờ 34 phút ngày 12/4, đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai tại 13 chi cục hải quan với tổng số lượng gạo đã đăng ký xuất khẩu 399.999,73 tấn.

Trước dư luận về việc phần mềm khai báo điện tử hải quan có vấn đề khi trong tối ngày 11/4, doanh nghiệp đã chầu chực để mở tờ khai cho những lô hàng xuất khẩu gạo khai dang dở từ ngày 24/3 nhưng phần mềm này vẫn không mở hoặc không có thông tin về tiếp nhận tờ khai từ khi nào và tới sáng này 12/4 thì đã hệ thống đã công bố tiếp nhận đủ tờ khai với số lượng 400.000 tấn gạo xuất khẩu như cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã ra thông cáo chính thức.

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn theo thông báo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ, ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm 2020, Quyết định có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11/4/2020, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch.

Cụ thể, thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan).

Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Theo Tổng cục Hải quan, Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện quyết định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Kể từ 24 giờ ngày 11/04/2020 (tức 0h ngày 12/4/2020), hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn)

Qua theo dõi, thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 24 giờ ngày 11/4/2020 đến 19g 34 phút ngày 12/4/2020, đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai tại 13 chi cục hải quan với tổng số lượng gạo đã đăng ký xuất khẩu 399.999,73 tấn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư - baodautu.vn, các chyên gia hải quan cho hay, với việc khai báo điện tử, hàng xuất khẩu vào luồng xanh nên việc thông quan là tự động. Lúc này thủ tục hải quan đã được xem là hoàn tất. Còn sau đó việc xuất khẩu hàng thực tế sẽ liên quan tới chủ hàng, bên vận chuyển và giám sát hải quan. Lúc này, trách nhiệm của giám sát hải quan là đảm bảo đúng chủng loại hàng hoá bốc lên phương tiện vận tải đúng như trong tờ khai và khi hoàn tất bốc dỡ sẽ xác nhận vào tờ khai hải quan.

"Với thực tế chỉ có 1 mặt hàng nên việc khai báo sẽ diễn ra rất nhanh với các doanh nghiệp chuyên làm thủ tục, vì các doanh nghiệp đều lưu form khai sẵn của mình. Ở đây doanh nghiệp chắc chắn phải có sự chuẩn bị hàng hoá, hợp đồng sẵn sàng. Tuy nhiên chỉ có điều thời điểm mở cổng khai báo thì không phải ai cũng biết. Nếu chiếu theo thông báo hoả tốc của Bộ Công thương thì phải là 0g ngày 11/4/2020, tuy nhiên tới 24g ngày 11/4/2020, Tổng cục Hải quan mới thiết lập xong hệ thống để tự động và không có thông báo rõ ràng về thời điểm này thì cũng là làm khó doanh nghiệp nếu không theo dõi 24/24 giờ", vị chuyên gia này cho hay.

Tin liên quan
Tin khác