Theo thông báo vừa phát đi từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tuần qua mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng tăng hơn so với tuần trước đó (từ ngày 30/11- 6/12).
Đặc biệt là trong các ngày từ 10 - 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300).
Giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng. Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), TPHCM đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép.
Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Số liệu quan trắc tại các trạm ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Ô nhiễm bụi ở Hà Nội ngày càng đáng lo ngại.
Kết quả tính toán AQI ngày cho thấy, tại Hà Nội, chất lượng không khí ở mức xấu trong các ngày từ 9-12/12. Tại Việt Trì và Huế, chất lượng không khí đã chạm ngưỡng xấu trong ngày 12/12, còn tại Hạ Long, TPHCM chất lượng không khí cũng ở mức kém.
Tại Hà Nội, từ ngày 7/12 đến 12/12, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép tại tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt tại Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày từ 11/12 đến 12/12.
Kết quả tính toán AQI ngày tại các trạm cho thấy, từ ngày 8/12 đến 12/12, chất lượng không khí liên tục ở mức xấu. Trong ngày 11/12 và 12/12, kết quả quan trắc tại một số trạm cho thấy AQI đã chạm ngưỡng rất xấu (AQI >200).
Kết quả tính toán AQI giờ (thông báo chất lượng không khí tức thời) cho thấy tại trạm đặt tại Đại sứ quán Mỹ, giá trị AQI đã lớn hơn 300 (mức nguy hại) vào thời điểm từ 3-6 giờ sáng ngày 10/12 và 13/12.
Đối với hầu hết các trạm khác, giá trị AQI đo được ở mức rất xấu (từ 201-300) trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Sau 12 giờ trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém.
Trong các ngày từ 10/12 đến 13/12, AQI giờ ở mức rất xấu (từ 201-300), chiếm đến 32,5% số giờ trong ngày.
Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này.
Trong khoảng thời gian từ ngày 7/12 đến 13/12, chất lượng không khí đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, chỉ số AQI giờ đo được tại một số trạm ở Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.
Sương mù đặc quánh bầu trời Hà Nội những ngày qua.
“Theo dự báo thời tiết, thứ 4 (ngày 18/12) có thể có mưa, do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu. Mọi người kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường”- Tổng cục Môi trường khuyến cáo.
Theo Tổng cục Môi trường, các số liệu quan trắc không khí của Hà Nội được đo tại 13 trạm quan trắc tự động, liên tục, trong đó 1 trạm của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), 10 trạm của TP. Hà Nội, 1 trạm của Đại sứ quán Pháp (57 Trần Hưng Đạo) và 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ (19-21 Hai Bà Trưng), đối với mỗi thành phố khác chỉ có 1 trạm quan trắc không khí tự động liên tục.
Tổng cục Môi trường cũng công bố các khuyến nghị đối tương ứng với giá trị AQI như sau:
Khoảng giá trị AQI | Khuyến nghị hoạt động cho những người bình thường | Khuyến nghị hoạt động cho nhóm người nhạy cảm |
0 – 50 (Tốt) | Tự do thực hiện các hoạt động ngoài trời | Tự do thực hiện các hoạt động ngoài trời |
51 – 100 (Trung bình) | Tự do thực hiện các hoạt động ngoài trời | Nên theo dõi các triệu chứng như ho hoặc khó thở, nhưng vẫn có thể hoạt động bên ngoài. |
101 – 150 (Kém) | Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời. Đối với học sinh, có thể hoạt động bên ngoài, nhưng nên giảm bớt việc tập thể dục kéo dài. | Nên giảm các hoạt động mạnh và giảm thời gian hoạt động ngoài trời. Những người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn. |
151 – 200 (Xấu) | Mọi người nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà. | Nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. |
201 – 300 (Rất xấu) | Mọi người hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời và chuyển tất cả các hoạt động vào trong nhà. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. | Nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. |
301-500 (Nguy hại) | Mọi người nên ở trong nhà, đóng cửa ra vào và cửa sổ. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. |