Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thái Bình tặng quà cán bộ nhân viên Ban quản lý Khu công nghiệp Liên Hà Thái |
Cơ duyên nào khiến Công ty cổ phần Green i-Park (GiP) về với Thái Bình? Trong những ngày tháng đầu tiên ấy, ông cảm nhận ra sao về địa phương này cũng như về mảnh đất ven biển Thái Thụy?
Trước khi “con thuyền” GiP cắm sào, đậu bến tại Thái Bình, quan điểm của chúng tôi là phải nỗ lực, tích cực khảo sát tìm ra được địa điểm mới hội tụ những yếu tố hấp dẫn để hình thành, phát triển một vùng công nghiệp mới. Thay vì chọn những “chiếc tổ” đã quá “chật chội”, GiP hướng đến những vùng đất mới có tiềm năng để xây dựng một “tổ mới” rộng rãi hơn đón những “đại bàng mới”.
Trong bối cảnh một số tỉnh ở miền Bắc đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Panasonic, Canon, Toyota, Foxconn… và tạo nên những chuỗi sản xuất điện tử, Thái Bình chưa được tập đoàn lớn nào biết và tới đầu tư, do hệ thống giao thông yếu.
Năm 2018, tuyến đường ven biển được khởi công, tiếp đó là Dự án tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình được hình thành, dần phá tan điểm yếu và làm nổi bật những thế mạnh về nguồn nhân lực dồi dào của Thái Bình. Cùng với đó, Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung với những cơ chế ưu đãi hấp dẫn, giúp chúng tôi tin tưởng Thái Bình hội tụ đủ tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp.
Một điều nữa là lãnh đạo Thái Bình có tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm đưa tỉnh vươn lên phát triển và mời gọi GiP về đầu tư. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ rất cao của cộng đồng dân cư, tạo niềm tin rằng, dự án quy mô lớn triển khai tại đây nhất định sẽ thành công.
Từ giai đoạn tài trợ quy hoạch cho Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái đến khi được chọn là nhà đầu tư tiên phong “xông đất” Khu kinh tế Thái Bình, có những khó khăn và thách thức gì và câu chuyện nào đã trở thành kỷ niệm không phai trong ông?
Khi triển khai tài trợ quy hoạch Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái với quy mô khoảng 1.200 ha, chúng tôi đứng trước bài toán khó là Thái Bình vốn đất chật, người đông, phạm vi nghiên cứu quy hoạch liên quan đến 23 thôn của 3 xã và 1 thị trấn nằm xen kẹt trong dự án, cùng khoảng 13-14 khu nghĩa trang nằm rải rác trong phạm vi dự án. Đa số các nhà đầu tư thường nản lòng khi nghe đến việc quy hoạch một dự án như vậy.
Một khó khăn, thách thức khác là thời điểm đó, có dư luận đặt nghi vấn về việc một nhà đầu tư xin tài trợ một khu công nghiệp quy mô lớn chưa từng có tại tỉnh. Lý do là từ trước đến nay, Thái Bình chỉ cho quy hoạch các khu công nghiệp tầm cỡ 100 - 200 ha mà sau hàng chục năm vẫn chưa được lấp đầy.
Nhưng nhờ thời vận Thái Bình đã thay đổi, lãnh đạo tỉnh và GiP đã nhận diện và cùng chung quan điểm rằng, muốn thu hút được các dự án tầm cỡ, thì phải xây dựng “tổ lớn” xứng tầm. Với quyết tâm cao và cách làm bài bản, GiP đã vinh dự được Thái Bình tin tưởng lựa chọn là nhà đầu tư tiên phong “xông đất” Khu kinh tế Thái Bình.
Trong vòng 2 năm sau khi nhận chủ trương đầu tư, GiP đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài cho Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một chiến lược và hành động quyết liệt. Ông có thể chia sẻ thêm về hành trình đầy ấn tượng này và những bí quyết của sự thành công?
Ngay từ khi nhận chủ trương đầu tư, GiP đã ký được hợp đồng nguyên tắc với 2 nhà đầu tư, 1 dự án sản xuất ram kết nối trong máy tính (tổng vốn đầu tư 120 triệu USD) và 1 dự án sản xuất máy làm vườn thông minh (tổng vốn đầu tư 200 triệu USD). Đây là động lực rất lớn để GiP xây dựng kế hoạch triển khai đồng loạt các công đoạn của Dự án, từ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ và đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Công tác giải phóng mặt bằng bao giờ và ở đâu cũng là khó khăn đầu tiên của các dự án. Khu công nghiệp Liên Hà Thái là dự án trọng điểm và tiên phong của Khu kinh tế Thái Bình, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành quan tâm và tích cực xuống hiện trường đưa ra những quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo huyện Thái Thụy cũng tập trung cao độ, phối hợp với GiP triển khai bài bản từ việc vận động người dân, phổ biến chính sách, cũng như lợi ích của khu công nghiệp và sự tài trợ các chương trình an sinh xã hội của GiP. Chỉ trong 2 năm, GiP đã giải phóng được 582 ha (99% diện tích khu công nghiệp) - một thành tích đột phá và chưa có tiền lệ trong giải phóng mặt bằng của tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương khen ngợi khi về thăm.
Có mặt bằng sạch, GiP dồn lực đầu tư đồng bộ, xây dựng hạ tầng theo tiêu chuẩn khu công nghiệp xanh và hiện đại. Thời điểm bắt đầu triển khai Dự án đúng vào lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, phải giãn cách xã hội. Với tinh thần sẵn sàng dấn thân, hầu hết cán bộ chủ chốt của GiP chấp nhận xa nhà, hơn 100 ngày đêm bám công trường triển khai dự án. Nhờ đó, GiP kịp đưa nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I có công suất 5.000 m3/ngày đêm vào vận hành ngay từ ngày dự án đầu tiên trong Khu công nghiệp Liên Hà Thái đi vào hoạt động.
Nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Thái Bình và các bộ, ngành trung ương, GiP đã xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư một cách có chiều sâu. Các chuyến công tác tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mang lại kết quả tích cực, thu hút những tên tuổi lớn như Compal, Pegatron, Lotes, Ohsung, HiteJinro, Greenworks, với suất đầu tư cao trên 100 triệu USD/dự án.
Con số hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thu hút được vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái trong 2 năm là thành quả của sự đồng tâm hiệp lực phối hợp giữa GiP với các cơ quan chức năng. Điều này khẳng định, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã đúng khi lựa chọn GiP “xông đất” Khu kinh tế Thái Bình và giao cho Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Đó cũng là niềm vui của GiP khi đã khơi luồng dòng đầu tư, mang lại một triển vọng tươi sáng cho Khu kinh tế Thái Bình và cho địa phương.
Những người tham dự sự kiện Giao lưu văn hóa và kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Thái Bình được nghe kể về chuyện một doanh nghiệp Hàn Quốc, với gần 100 năm hoạt động, quyết định mở rộng đầu tư ra nước ngoài và đã chọn Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Đó là Tập đoàn HiteJinro - doanh nghiệp sản xuất đồ uống lớn nhất Hàn Quốc. Sở hữu công nghệ vượt trội, họ là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi nhà máy xanh thân thiện với môi trường và luôn được đánh giá cao về hệ thống quản lý kinh doanh ESG (môi trường - xã hội - quản trị). HiteJinro đã khảo sát ở nhiều quốc gia, vì đây là lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, nên họ khảo sát thật sự kỹ lưỡng. Hơn thế, do đặc thù sản xuất đồ uống, họ cũng có nhiều yêu cầu đặc biệt.
Sau 1 năm nỗ lực qua các cuộc đàm phán tại Việt Nam và Hàn Quốc, HiteJinro đánh giá cao tính chuyên nghiệp của GiP và sự song hành hỗ trợ của tỉnh Thái Bình, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe, nên đã quyết định lựa chọn Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Việc được HiteJinro lựa chọn một lần nữa khẳng định Khu công nghiệp Liên Hà Thái là địa bàn chiến lược cho các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới đến hợp tác đầu tư cùng phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Mỗi sáng nhìn thấy hình ảnh nam thanh nữ tú nhộn nhịp vào ca, những nhà máy ngày càng nở rộ trên Khu công nghiệp Liên Hà Thái, ông cảm thấy thế nào?
Đó thật sự là hình ảnh đẹp mà chúng tôi - những người phát triển hạ tầng luôn luôn mong muốn. GiP tự hào khi bước đầu kiến tạo cơ hội và góp phần cùng tỉnh Thái Bình thúc đẩy chuyển dịch kinh tế và vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp hóa hiện đại, thực hiện mục tiêu đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, để người dân không phải rời xa quê hương mà vẫn có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.