Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh
Thưa ông, trong phiên họp Tổng kết hôm 4/1 vừa rồi, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có đề cập đến mối lo vỡ quy hoạch điện hạt nhân nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đáp ứng đủ vốn. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Cái đó hoàn toàn đúng. Vừa rồi chúng tôi tính toán, 2 nhà máy điện hạt nhân cần vốn khoảng 16 tỷ USD (mỗi nhà máy 8 tỷ USD). Nếu chỉ đối ứng khoảng 15% (85% vay nước ngoài và 15% vay trong nước) tức là cần tới 2,5 tỷ USD thì EVN phải lo thu xếp khoảng 50.000 tỷ để đối ứng.
Đây là bài toán nhức nhối, nhưng thôi thì đường dài. Sau này, có lẽ sẽ vẫn còn phải xem xét nữa.
Nói là đường dài, nhưng vừa rồi Phó Tổng Giám đốc Đinh Quang Tri có cho biết, do EVN phải đứng ra vay nợ để thu xếp vốn cho các công ty con nên vài năm tới tỷ lệ nợ /vốn chủ sở hữu sẽ chạm trần.
Đúng rồi, anh Tri nói hoàn toàn đúng. Tức là hiện nay mặc dù thành lập mấy Tổng công ty phát điện ở dưới, nhưng bản thân tài chính của các doanh nghiệp này lại chưa lành mạnh, do vậy các định chế tài chính không cho vay, EVN phải đứng ra vay và cho vay lại. Nợ đó ghi cho EVN nên tỷ lệ nợ càng ngày càng tăng lên.
Vậy liệu có rủi ro nào xảy ra với EVN hay không thưa ông?
Tôi nói thế này, bạn thử tìm trên thế giới xem có Tập đoàn điện lực của quốc gia nào phá sản không. Các tổng công ty đó là con của mình, mình phải đứng ra lo. Nói là EVN lo nhưng bản chất là Chính phủ lo.
Chứ bây giờ Tập đoàn này vỡ thì đất nước này đi về đâu? Có Tập đoàn điện lực nào được phép vỡ nợ không?
Tôi cũng đã nói, việc đưa điện về miền núi, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, EVN phải trợ giá, nhưng bản chất là Chính phủ trợ giá, đưa điện ra hải đảo cũng chính là Chính phủ trợ giá mà thôi.
Tết này nhân viên EVN có thưởng
Thưa ông, trong năm nay, EVN đã báo lãi, vậy kế hoạch thưởng Tết cho cán bộ nhân viên Tập đoàn như thế nào?
Vấn đề thưởng Tết thì chúng tôi vẫn phải thực hiện theo quy chế. Thực tế năm nay mặc dù có lãi nhưng vẫn phải bù lỗ của các năm trước. Sau bù lỗ, cả Công ty mẹ Tập đoàn lãi 120 tỷ đồng, mỗi đơn vị còn lại một ít lãi, lãi đó sau khi nộp thuế 25%, trích 50% vào quỹ đầu tư phát triển, còn lại trích vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi. Trên cơ sở đó mới tính đến thưởng.
Nhưng sống hôm nay cũng phải biết đến ngày mai nữa, chứ có phải làm 1 lúc chia hết, mai lại đói!
Như vậy là thưởng Tết chỉ mang tính động viên tinh thần?
Thưởng thì có chứ, phải có chứ. Nhưng cũng chỉ ở mức thế thôi. Chứ bây giờ mình là một doanh nghiệp như thế này mà làm loạn lên là không được. Làm sao được!
Đáp ứng 1% tăng trưởng điện bằng chạy dầu, lập tức lỗ 3.000-4.000 tỷ
Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về kết quả kinh doanh năm 2013 của EVN trong tương quan với việc tăng giá điện?
Năm 2013 vừa rồi, ít nhất là EVN đã thoát được lỗ do sản xuất kinh doanh, còn lỗ do chênh lệch tỷ giá là khách quan. Đồng USD tăng giá hay đồng Yên Nhật mạnh lên… đều là những yếu tố khách quan. Theo luật thì được phép tính lỗ chênh lệch tỷ giá ngay vào giá điện. Nhưng vì còn phải giữ ổn định kinh tế nên chúng tôi không dám tăng. Nếu trích hết vào thì giá điện sẽ lên rất cao.
Mặc dù vậy, Chính phủ cũng đã yêu cầu trong vòng 4 năm từ 2012-2015 là phải phân bổ dần lỗ tỷ giá vào giá điện và trích hết.
Năm vừa rồi, với việc tăng giá than bán cho điện đã ảnh hưởng như thế nào đến giá điện thưa ông?
Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa rồi đã được tính giá bán than cho điện theo giá thị trường nên tất cả trút vào giá điện, vì thế giá điện cũng phải căn cứ vào đó để mà tính.
Những năm trước, Vinacomin hàng năm phải bù lỗ vào giá than bán cho điện khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng, nếu EVN giờ mang cả 6.000 – 7.000 tỷ đó trút ngay vào giá điện thì dân sẽ không chịu được và sẽ kêu ầm lên ngay.
Thế nên phải tính toán xem sức khỏe của nền kinh tế, đời sống của nhân dân chịu được đến đâu. Chính phủ từ Bộ Công thương, Bộ Tài chính đến Thủ tướng đều đã phải xem xét rất kỹ, mỗi lần tăng giá đều cân nhắc lắm.
Cứ nói doanh nghiệp chứ EVN làm gì có quyền, EVN chỉ tính toán ra thôi, còn phải các bên kiểm tra, đánh giá tác động của việc tăng giá đến nền kinh tế.
Than thì đã được bán theo 100% giá thị trường, vậy còn giá điện hiện nay, mức giá bình quân mà EVN đang bán bằng khoảng bao nhiêu % so với giá thị trường?
Chúng ta phải hiểu giá thị trường vận hành theo cơ chế thị trường, không thể nói là giá cụ thể bao nhiêu. Vì năm vừa rồi mưa tốt, thời tiết mát, người dân ít sử dụng điện, nhưng nếu thời tiết khô hạn, thủy điện không đáp ứng được và phải phát bằng dầu thì giá điện chạy dầu rất đắt, lúc đó phải đưa giá đó vào và giá lên rất cao. Cũng có khi mưa tốt, nhiều nhà máy thừa điện, họ chào giá thấp, thì lúc đó giá lại khác.
Chúng ta không cố định được mức giá đấy, mà giá thị trường là do điều kiện thực tế quy định. Nếu tăng trưởng điện của nền kinh tế chậm lại, chỉ 10% thôi thì chưa phải chạy đến dầu, còn nếu lên tới 11-12% thì đã phải chạy dầu rồi. Chỉ cần tăng 1% tương ứng 1 tỷ kWh thì lập tức sẽ lỗ 3.000-4.000 tỷ đồng ngay, tức khắc bức tranh tài chính sẽ khác hẳn.
Một trong những lý do để năm nay có dự phòng là tốc độ tăng trưởng nền kinh tế chững lại. Còn nếu như kinh tế phát triển mạnh hơn thì liệu EVN có đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế hay không?
Nếu kinh tế khỏe hơn mà làm tốt chính sách tiết kiệm điện thì chỉ cần giảm 1-2% tăng trưởng sử dụng điện, tức lúc đó không phải phát dầu, tình hình sẽ khác. Mỗi gia đình hoàn toàn có thể tiết kiệm được 10% điện sử dụng.
Chuyện tăng trưởng kinh tế là một phần, nhưng ở đây tôi muốn nói ý thức tiết kiệm điện của toàn xã hội. Quốc hội ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vì thế.
Năm 2013, chúng tôi tiết kiệm được 2,6 tỷ kWh thông qua phối hợp với các Tổng công ty, các Hội, đoàn thể vận động. Nếu mà phải phát điện bằng dầu chừng này thì lỗ rất lớn. Nhưng vì làm được việc đó nên tự nhiên kết quả kinh doanh lại tốt lên.
Bích Diệp (Dân trí)