Doanh nghiệp
Tổng giám đốc MWG: Sẽ đổi tên công ty Thế giới di động
Hồng Phúc - 11/08/2019 15:01
Với tốc độ mở mới ít nhất 50 cửa hàng Bách hoá xanh mỗi tháng, CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) ước, khi vận hành từ 6.000 - 8.000 cửa hàng, Bách hoá xanh sẽ nắm từ 10 - 15% thị phần ngành thực phẩm.

Cuối năm 2015, cửa hàng Bách hoá xanh đầu tiên được ra đời. Và tính đến cuối tháng 6/2019, chuỗi Bách hoá xanh có 600 cửa hàng, trong đó, 218 cửa hàng tại 14 tỉnh khu vực Nam Bộ trừ TP.HCM. Đến tháng 7/2019, đánh dấu cột mốc quan trọng với chuỗi khi cán mốc tổng doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng/tháng.

“Nhu cầu về thực phẩm, hàng tiêu dùng tại một quốc gia 100 triệu dân như Việt Nam  vào khoảng 50-70 tỷ USD mỗi năm. Tất cả các doanh nghiệp bán lẻ trong ngành này có lẽ mới chỉ có từ 3-5% thị phần. Chúng ta chỉ cần chiếm từ 10-15% thị phần ngành thì doanh thu tầm vóc của MWG là khủng khiếp”, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG chia sẻ.

Tuyển 3.000 nhân sự mỗi tháng cho Bách hoá xanh

Lý giải vì sao số lượng cửa hàng Bách hoá xanh tại TP.HCM không tăng nhanh như tốc độ mở rộng quy mô tại các tỉnh, ông Trần Kinh Doanh đưa ra nguyên nhân liên quan đến khả năng thuê mặt bằng.

Hiện 2/3 cửa hàng toàn chuỗi Bách hoá xanh đang đặt tại TP.HCM và theo ước tính cảm quan của Tổng giám đốc MWG, cần khoảng 1.500 cửa hàng sẽ tạm đáp ứng đủ nhu cầu cho thành phố hơn 10 triệu dân.

Mỗi tháng, MWG sẽ mở từ 50 - 60 cửa hàng Bách hoá xanh, hướng đến mục tiêu vận hành khoảng 1.000 cửa hàng tính đến cuối năm 2019.

“Mở mới cửa hàng Bách hoá xanh ở TP.HCM sẽ không dừng lại. Chúng tôi cần thời gian mới có thể thuê được mặt bằng vị trí đẹp, giá phù hợp. Tôi đang nghĩ đến trong đầu về kế hoạch, phải làm sao để nỗ lực mở 70 - 80 cửa hàng mỗi tháng trong năm 2020. Để phát triển lên đến đỉnh cho mô hình này, có lẽ phải đạt khả năng mở mới 1.500 cửa hàng mỗi năm”, ông Trần Kinh Doanh ước đoán. 

Mỗi tháng, MWG cần tuyển 3.000 nhân viên cho chuỗi Bách hoá xanh (Ảnh: Bách hoá xanh).

Khi mở mới mỗi một cửa hàng Bách hoá xanh, điều ông Doanh quan tâm hàng đầu không phải chỉ tiêu lợi nhuận. Thách thức cần giải quyết là mặt bằng đúng yêu cầu, tuyển dụng/đào tạo nhân sự. Liệu phòng nhân sự của Thế giới di động có khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển 3.000 nhân sự mỗi tháng để cung cấp cho hoạt động cho riêng chuỗi Bách hoá xanh.

Sẽ đổi tên công ty Thế giới di động

Trong năm 2020, Bách hoá xanh sẽ được mở rộng hơn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ. Còn Hà Nội hay tỉnh phía Bắc, dự kiến sẽ có cửa hàng Bách hoá xanh sau năm 2021.

“Khi bắt đầu mở Điện máy xanh, MWG ước tính chỉ cần mở 200 cửa hàng là dữ lắm rồi, bởi khi đó các đơn vị như Nguyễn Kim chỉ có vài chục cửa hàng. Mà giờ thì ĐMX nắm bình quân khoảng 37% thị phần trong lĩnh vực điện máy và sẽ có 1.000 cửa hàng vào cuối năm nay”, ông Trần Kinh Doanh chia sẻ và nhấn mạnh, con số 6.000 - 8.000 cửa hàng nói trên là ước tính trong thời điểm hiện tại.

Bách hoá xanh cũng chưa có kế hoạch cũng không có chủ trương đầu tư vào làm nhãn hàng riêng cho các sản phẩm. Ông Doanh cho rằng, với năng lực mua hàng của MWG hiện tại, mỗi lần mua có thể “làm lung lay dây chuyền sản xuất của đối tác”. Thêm vào đó, công việc ưu tiên cần giải quyết là cũ mua rẻ hơn từ nhà cung cấp hiện hữu, giảm chi phí logistics giúp tăng biên lợi nhuận.

“Biên lợi nhuận của Bách hoá xanh chưa dừng lại và tôi cũng chưa thấy điểm dừng”, ông Doanh tin tưởng vào tỷ lệ biên lợi nhuận của Bách hoá xanh không cố định mà tăng giảm tuỳ thuộc khả năng giải quyết hai thách thức trên cũng như tối ưu hoá chi phí trong quá trình kinh doanh.

“Việc đổi tên công ty Thế giới di động thì sẽ có nhưng tuỳ thời điểm nào, vì hiện bình quân hàng điện tử, tiêu dùng vẫn mang về trên 80% doanh thu. Khi nào rau, củ, quả, thịt, cá chiếm đến 60 - 70% doanh thu thì cái tên Thế giới di động sẽ không phù hợp”, Tổng giám đốc MWG chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác