Theo lý giải của Tổng Liên đoàn Lao động mức tăng 6,5% chỉ tương đương với mức tính của Srilanka, nơi có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội thấp hơn Việt Nam. |
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong phiên đàm phán ngày 11/7, Tổng Liên đoàn vẫn tiếp tục đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2020 với phương án 1 là điều chỉnh mức tăng bình quân 8,18% tương đương mức tăng từ 180.000 - 380.000 đồng; phương án 2 tăng bình quân 7,6%, tương đương mức tăng từ 160.000 - 330.000 đồng; phương án 3 tăng bình quân 6,52%, tương đương mức lương tăng từ 120.000 - 320.000 đồng tùy từng vùng.
Trước đó, tại phiên họp đàm phán lần 1 về nâng lương tối thiểu vùng 2020 diễn ra giữa tháng 6, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất 3 phương án trong đó mức tăng cao nhất là 8,18% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho giới chủ chỉ đề xuất mức tăng 3% và bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng 5,2%.
“Mức 5,2% đưa ra từ bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia lựa chọn trên tỷ lệ 48% chi phí cho lương thực thực phẩm và 52% chi phí cho các nhu cầu phi lương thực thực phẩm của người lao động, tương đương với mức tăng từ 61.000 – 256.000 sẽ đạt mức sống tối thiểu. Điều đáng chú ý, tỷ lệ này chỉ có thể áp dụng cho nhóm hộ cận nghèo và nghèo và cách tính trên đã duy trì 7 năm. Và rõ ràng, nếu khu vực vùng sâu, vùng xa chỉ tăng lên 61.000 thì người lao động sẽ vẫn có xu hướng đổ về các khu vực thành thị để làm việc”, ông Quảng nói.
Khẳng định vẫn dựa trên tiêu chí đánh giá từ bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhưng Tổng Liên đoàn đề nghị thay tỷ lệ lương thực thực phẩm ở mức 46,5% (tương đương mức tính của Campuchia); 47% (tương đương Phillipine) và 47,5% (tương đương Srilanka), từ đó tính ra mức tăng trung bình sẽ là 8,18%; 7,6% và 6,52%.
“Xét về điều kiện kinh tế thì Srilanka không thể bằng Việt Nam, trong khi đó, chỉ số GDP của Việt Nam tăng khoảng 7%, năng suất lao động cũng tăng xấp xỉ 6%. Đây là 2 chỉ số vĩ mô có ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2020. Cùng với đó, tình hình xuất khẩu khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, trong khi mọi chi phí với người lao động mỗi năm đều tăng. Do vậy, mức tăng 6,52% sẽ là hợp lý”, ông Quảng phân tích thêm.
Phân tích ở khía cạnh người lao động, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP. HCM cho biết: “Một gia đình có 2 vợ chống và 1 con như lương hiện là 4.180.000 cộng thêm 7% chi phí đào tạo thì 2 vợ chồng có khoảng 9 triệu, trong đó tiền gửi trẻ khoảng 2 triệu, tiền ăn tầm 4 triệu, tiền nhà khoảng trên 1 triệu đó là chưa kể các nhu cầu tiêu dùng khác. Do đó, khoảng cách giữa mức lương hiện tại và mức lương đủ sống tối thiểu cách nhau từ 15-20%”.
Khuyến nghị về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, TS Nguyễn Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động với tư cách một chuyên gia độc lập cho rằng, cần phân biệt rõ mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống khi các bên thảo luận về tiền lương tối thiểu.
Cũng theo bà Chi, mức sống tối thiểu để tồn tại về lâu dài sẽ làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm xã hội. Do đó, cung với tăng lương tối thiểu vùng, công đoàn nên khuyến khích việc thương lượng tập thể dựa trên mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống ở các cấp ngành và doanh nghiệp.