Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. |
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, cơ quan của Quốc hội băn khoăn vấn đề tài chính.
Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều 17/3, Chính phủ đề xuất nội dung mới nói trên.
Cụ thể, khoản 3 điều 89 quy định Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu ở của công nhân.
Thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung mới so với Luật Nhà ở hiện hành nhưng chưa thống nhất với Điều 27 của Luật Công đoàn, chưa rõ khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thì tài chính dành cho các dự án đầu tư này sẽ lấy từ nguồn nào.
"Đây là vấn đề lớn, hệ trọng, không chỉ liên quan đến tính khả thi của chính sách mà cả đối với việc sử dụng tài chính Công đoàn. Nếu sử dụng nguồn thu này để thực hiện hoạt động đầu tư khi mà hoạt động này tiềm ẩn khả năng không bảo toàn nguồn vốn thì sẽ ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác của Công đoàn, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các công đoàn viên", cơ quan thẩm tra lo ngại.
Do đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ sự cần thiết và tính thống nhất, khả thi của chính sách này. Trường hợp vẫn giữ quy định này trong dự thảo Luật thì cần quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện để bảo đảm tính minh bạch, xác định rõ trách nhiệm về những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư, đồng thời sửa các quy định có liên quan của Luật Công đoàn để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tham gia thảo luận, Tổng thư ký Quốc hội, Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đồng tình với dự thảo luật.
Ông Cường nói, khi còn làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn cũng đã báo cáo và Chính phủ có ban hành đề án và sau đó Chủ tich Quốc hội (khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân) cũng có nói là sẽ bàn cùng với Chính phủ sẽ cấp ngân sách khoảng 3.000 tỷ nữa cùng với công đoàn chuẩn bị khoảng 2.000 tỷ để làm nhà ở cho công nhân, nhưng sau đó thì vướng vào luật. Bởi vì, luật quy định không cho cơ quan được giao đất để làm các nhà ở dưới dạng bán lại.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. |
"Lúc đó chúng tôi cũng đã tính toán như Hà Nội xây nhà ở cho công nhân tính ra là 5 triệu/ 1m2, với 30m2 thì chỉ mất 150 triệu một gia đình công nhân có một căn hộ, nhưng vì vướng luật nên thời gian vừa rồi không triển khai được", ông Cường nói.
Vì thế, theo ông Cường, Dự thảo quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một đơn vị có nhiệm vụ thực hiện việc này, tham gia đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật về nhà ở là cần thiết. Như vậy Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mới có thể thực hiện việc này được.
"Rất mong Thường vụ ủng hộ làm được như vậy sẽ góp phần rất quan trọng vào việc tháo gỡ điểm nghẽn và vướng mắc ở Luật Nhà ở trong những năm vừa qua", ông Cường bày tỏ.
Tổng thư ký Quốc hội cũng nói thêm là tháo được điểm nghẽn so với Luật Nhà ở trước đây thì công nhân mới có điều kiện mua nhà. Đây vừa là quan tâm cụ thể đến giai cấp công nhân, cũng vừa là một giải pháp của tổ chức công đoàn để thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn.
Vì đến với tổ chức công đoàn có lợi ích thì rõ ràng người ta sẽ gắn bó, ông Cường thuyết phục thêm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, có thể quy định nếu như Tổng Liên đoàn có quỹ đất riêng mà hiện nay phù hợp với quy hoạch thì được quyền làm nhà ở xã hội cho công nhân; được quyền tham gia vào việc làm nhà ở xã hội cho công nhân với tư cách là một chủ đầu tư.
Việc này phải phù hợp với pháp luật về công đoàn, phù hợp với pháp luật về đấu thầu và các pháp luật khác có liên quan. Sử dụng kinh phí như thế nào phải đúng quy định chứ Nhà nước không hỗ trợ. Hỗ trợ chính sách thì có chung rồi, đất thì được miễn tiền sử dụng đất, nên sẽ không hỗ trợ gì nữa cả, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.