Quốc tế
Tổng nợ của các doanh nghiệp toàn cầu lên mức cao kỷ lục 7.800 tỷ USD
T.T - 12/07/2023 21:21
Công ty đầu tư Janus Henderson, ngày 12/7, cho biết các công ty trên toàn cầu đã nhận khoản nợ ròng mới 456 tỷ USD, trong năm 2022 - 2023. Bất chấp lãi suất tăng cao hơn làm giảm nhu cầu vay, tổng nợ của các doanh nghiệp vẫn tăng lên mức kỷ lục mới.
(Nguồn ảnh: TTXVN/Time)

Báo cáo của Janus Henderson chỉ ra rằng nợ của doanh nghiệp trong năm 2022 - 2023 đã đẩy nợ gộp toàn cầu chưa thanh toán tăng 6,2% lên mức 7.800 tỷ USD (trên cơ sở giá trị đồng tiền không thay đổi), vượt qua mức đỉnh ghi nhận vào năm 2020 - 2021, giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19.

Dựa trên chỉ số theo dõi 933 tập đoàn phi tài chính lớn nhất được niêm yết trên toàn cầu trong năm 2022 - 2023, tập đoàn viễn thông Mỹ Verizon lần đầu tiên đã trở thành công ty mắc nợ nhiều nhất, trong khi tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google vẫn giữ vị trí là doanh nghiệp giàu tiền mặt nhất (có nguồn vốn lưu động lớn nhất).

Janus Henderson cho biết 20% mức tăng nợ ròng thuộc về các công ty công nghệ. Các doanh nghiệp như Alphabet và Meta - chủ sở hữu mạng xã hội Facebook và Instagram đã chi một "núi tiền mặt khổng lồ" cho các hoạt động khác nhau, bao gồm cả quảng cáo. Chuyên gia James Briggs, nhà quản lý danh mục đầu tư của Janus Henderson, nhận định điều này cho thấy sự gia tăng nợ là "không đáng lo ngại".

Mặc dù chất lượng tín dụng doanh nghiệp vẫn được duy trì tốt cho đến nay, nhưng có thể đi xuống trong thời gian tới. Ông Briggs nói tốc độ suy giảm chất lượng tín dụng doanh nghiệp phụ thuộc vào sức mạnh của thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ.

Ông phân tích lãi suất cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu vay thêm của các công ty. Janus Henderson dự đoán nợ ròng của các công ty sẽ giảm 1,9% vào năm 2023 - 2024, xuống còn 7.650 tỷ USD trên cơ sở giá trị đồng tiền không thay đổi.

Độ trễ nhất định của việc tăng lãi suất có nghĩa là các công ty vẫn chưa cảm thấy tác động đáng kể đến chi phí đi vay của họ. Báo cáo viết các công ty Mỹ huy động vốn chủ yếu bằng trái phiếu có lãi suất cố định. Do đó, các công ty này đã được bảo vệ đặc biệt cho đến nay, với các khoản lãi suất phải trả là cố định hàng năm.

Nhưng tại châu Âu, phần lớn nguồn tài chính mà các công ty huy động được đến từ ngân hàng. Do đó, các công ty bắt đầu cảm thấy khó khăn từ chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất trong một thập kỷ và số tiền chi cho chi phí tài chính đã tăng thêm dựa trên tỷ giá hối đoái không đổi.

Ông Brigggs cho biết việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến nhóm chất lượng tín dụng yếu nhanh hơn nhiều so với các loại đầu tư khác, như trái phiếu. Trên các thị trường tư nhân và các khoản vay có đòn bẩy (khoản vay tăng thêm dành cho các công ty hoặc cá nhân có số nợ cao đáng kể và/hoặc có lịch sử tín dụng yếu kém) lãi suất cao cũng khiến việc giải ngân trở nên khó khăn hơn so với các khoản vay từ trái phiếu có lợi tức cao.

Tin liên quan
Tin khác