Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái |
Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên phải hoãn 2 lần do dịch bệnh.
Thông tin trên được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/9, tại báo cáo chung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 của Chính phủ.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ . Thanh tra Chính phủ đã thành lập Tổ công tác phục vụ tổ chức đối thoại với người dân Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện, theo đó thời gian tổ chức đối thoại dự kiến vào ngày 6/8/2020. Tuy nhiên, do thời điểm cuối tháng 7/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, có nguy cơ lây lan cao tại nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, do đó Thanh tra Chính phủ đã hoãn buổi đối thoại với các công dân Thủ Thiêm và sẽ tổ chức trở lại ngay khi đủ điều kiện.
Về tình hình hình chung, Tổng thanh tra khẳng định, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, có thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo đảm bảo thông suốt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong năm có 459.149 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 4%), với 296.864 vụ việc (giảm 2,4%), có 3.779 lượt đoàn đông người (giảm 17,7%).
Các cơ quan hành chính tiếp nhận 305.769 đơn thư các loại (bao gồm: đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh). Có 189.202 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 62%), trong đó có 55.928 đơn khiếu nại, 26.783 đơn tố cáo; có 20.958 vụ việc khiếu nại, 8.120 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.
Kết quả, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật nhận xét, mặc dù kỳ báo cáo từ 1/8/2019 đến 31/7/2020 và theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, thời hạn gửi báo cáo là hết ngày 10/8/2020, nhưng theo phản ánh trong báo cáo thì các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa gửi đầy đủ báo cáo, thống kê số liệu để tổng hợp, nên khó đưa ra được những đánh giá, nhận định một cách toàn diện, chính xác.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, báo cáo vẫn chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây, đồng thời cũng chưa đưa ra được những nguyên nhân của số lượng đơn thư, vụ việc cũng như số lượt người đến khiếu nại, tố cáo giảm trong năm 2020.
Báo cáo cũng chưa phân tách được số liệu cụ thể vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới trong năm nay, số vụ việc từ những năm trước còn tồn đọng chưa giải quyết xong; đánh giá xu hướng phát triển của khiếu kiện tập trung đông người có sự tham gia của giáo dân hoặc do bị lợi dụng, kích động, lôi kéo... để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới. Đây cũng là những vấn đề đã được Ủy ban Pháp luật nêu ra trong báo cáo thẩm tra các năm trước nhưng cũng chưa được làm rõ, ông Tùng nhấn mạnh.