Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận xét về nền kinh tế Mỹ và nỗ lực của chính quyền ông nhằm phục hồi ngành sản xuất chế tạo của nước này, trong chuyến thăm Flex LTD, một nhà máy sản xuất bộ chuyển đổi vi mô năng lượng mặt trời, ở bang South Carolina, ngày 6/7/2023. Ảnh: Reuters |
"Kinh tế Mỹ là bức tranh hoàn hảo"
Phát biểu trên chương trình "TODAY" gần đây của đài NBC, Tổng thống Biden cho rằng: "Mỹ có nền kinh tế tốt nhất thế giới", đồng thời đưa ra lập luận trọng điểm trong chiến dịch tái tranh cử của ông.
Vị thế kinh tế của Mỹ trên thế giới đang trở thành điểm nóng ban đầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, nơi cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên miêu tả Mỹ là một vùng đất hoang thương mại.
"Chúng ta là một quốc gia có nền kinh tế đang sụp đổ, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, các cửa hàng không có hàng dự trữ và hàng hóa không được giao đến nơi", ông Trump nói tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Georgia vào tháng trước.
Thế nhưng, các số liệu kinh tế lại vẽ ra một bức tranh khác, phù hợp với những gì mà Tổng thống Biden nhận xét về sự thống trị kinh tế của Mỹ hơn là những cảnh báo "tận thế" của ông Trump.
Lạm phát Mỹ năm 2023 nhìn chung đã giảm mạnh so với mức cao kỷ lục 40 năm thiết lập vào năm 2022, mặc dù nó đã nhích tăng trở lại trong vài tháng qua.
Trong một bài phát biểu giữa tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, cho rằng: "Về lạm phát, còn quá sớm để nói liệu các số liệu gần đây có phải là một cú tăng hay không".
Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 2,5% vào năm 2023, vượt xa đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác, theo báo cáo tháng 1 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ giữ vị trí dẫn đầu vào năm 2024, mặc dù họ dự đoán mức tăng trưởng sẽ giảm xuống 2,1%.
Hai nền kinh tế phát triển lớn khác là Canada và Đức tụt lại phía sau với mức tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt ở mức 1,1% và -0,3%.
"Mỹ đang dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu. Nó đang thúc đẩy đoàn tàu kinh tế toàn cầu", nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody bình luận trên đài CNBC.
Trong khi tình trạng lạm phát Mỹ có chiều hướng hạ nhiệt và trở lại mục tiêu 2%, thì lạm phát ở các nền kinh tế phát triển khác vẫn nóng. Đơn cử tại Canada, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,9% trong năm 2023, còn tại Đức, tỷ lệ lạm phát năm ngoái là 5,9%.
Các quốc gia sử dụng thước đo lạm phát khác nhau, khiến việc so sánh trực tiếp tình hình lạm phát của các nước trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody cho rằng ngay cả khi điều chỉnh những khác biệt trong tính toán, Mỹ vẫn có vẻ tốt hơn về mặt lạm phát.
"Sử dụng phương pháp tương tự như Liên minh châu Âu, Fed đã đạt mục tiêu, lạm phát đã ở mức dưới 2%", ông Zandi cho biết.
Và ngay cả khi lãi suất cơ bản tăng vọt, thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ. Theo dữ liệu tổng hợp của công ty xử lý bảng lương ADP, các công ty tư nhân của Mỹ đã bổ sung thêm 184.000 việc làm trong tháng 3, vượt xa ước tăng 155.000 việc làm của Dow Jones. Đây là mức tăng trưởng việc làm nhanh nhất mà nền kinh tế Mỹ đạt được kể từ tháng 7/2023.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã đạt được mức tăng kỷ lục trong vài tháng qua và giá trị nhà ở đã tăng vọt, mặc dù hiện tại chúng đã bắt đầu giảm do lượng hàng tồn kho được cải thiện.
Bên cạnh mức giá cao khó chịu được dự đoán sẽ hạ nhiệt trong năm tới, ông Zandi nói rằng các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Mỹ hiện tại gần như lý tưởng. "Nền kinh tế Mỹ là bức tranh hoàn hảo. Thật khó để tranh luận về điều này", nhà kinh tế trưởng của Moody nhận xét.
"Chính sách và sự may mắn"
Thành tích vượt trội gần đây của nền kinh tế Mỹ là kết quả của một số yếu tố.
Chuyên gia kinh tế Joseph Gagnon của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng: "Đó là nhờ cả chính sách và sự may mắn".
Để đối phó với cơn chấn động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, chính phủ Mỹ đã bơm khoảng 4.000 tỷ USD vào nền kinh tế để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Nhà kinh tế Josh Gotbaum, cựu quan chức Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ, nhận định: "Chúng tôi có nhiều biện pháp kích thích tài chính hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đó là một phần lý do tại sao Mỹ phục hồi sau cuộc suy thoái do Covid-19 tốt hơn bất kỳ quốc gia nào khác".
Mạng lưới an toàn của Mỹ - một chương trình làm tăng cảm giác về an ninh kinh tế - khiến Mỹ bị thâm hụt ngân sách lớn hơn nhiều so với các nước khác. Nhưng nó cũng giữ cho nền kinh tế này phát triển bằng cách cung cấp một vùng đệm để các công ty không phải thực hiện sa thải hàng loạt có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Cho nên ngay cả khi Fed mạnh tay tăng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% trong hai năm qua, mặc dù tỷ lệ này đã tăng nhẹ trong tháng 2.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Canada đạt mức 5,8% trong tháng 2, tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1. Còn theo Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp của Liên minh châu Âu là 6,0%.
Vị thế của nền kinh tế Mỹ trên trường quốc tế cũng là thành quả về khả năng phục hồi của nước này trước các cuộc khủng hoảng địa chính trị và cơ cấu độc đáo của hệ thống tài chính Mỹ.
Bằng chứng là khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, làm gián đoạn giá năng lượng và lương thực toàn cầu, Mỹ không bị tổn hại nhiều như các khu vực khác như châu Âu và Nhật Bản, những quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng và thực phẩm nhập khẩu của Nga.
"Đó là phần may mắn", chuyên gia kinh tế Joseph Gagnon của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận xét.
Khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng là kết quả của cấu trúc nợ đặc biệt của nước này.
Các hộ gia đình ở Mỹ được bảo vệ nhiều hơn trước những đợt tăng lãi suất toàn cầu nhờ khoản thế chấp có lãi suất cố định trong 30 năm, cho phép họ chốt lãi suất thế chấp cực thấp ngay từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Lãi suất thế chấp 30 năm đó, hầu như chỉ có ở hệ thống tài chính Mỹ, đã bảo vệ các hộ gia đình khi lãi suất tăng lên sau đó.
Ông Zandi cho biết: "Hệ thống ngân hàng của chúng tôi gặp rất nhiều rủi ro về lãi suất, nhưng ở những nơi khác trên thế giới, họ đổ rủi ro này lên các hộ gia đình, các doanh nghiệp".
Tuy vậy, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ vẫn đi trước các nền kinh tế phát triển khác, thì vẫn có khả năng xảy ra tình trạng thụt lùi trong quá trình phục hồi.
"Tôi không nghĩ chúng ta có thể kết luận rằng chúng ta đã hạ cánh mềm, rằng chúng ta tự do và rõ ràng", ông Zandi nói.
Hiện tại, Fed vẫn duy trì quan điểm "diều hâu" về lãi suất, bất chấp những dấu hiệu trước đó cho thấy cơ quan này sẽ thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic, hiện dự kiến chỉ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, có thể là vào quý IV.
"Con đường sẽ gập ghềnh", ông Bostic nhận xét vào giữa tuần này.
Và mặc dù con đường phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa chắc chắn nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan. "Về cơ bản, chúng ta đang ở hoặc ở trên con đường mà chúng ta đã đi trước khi đại dịch xảy ra", ông Gagnon từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định. "Vậy thì điều đó khá tốt", ông nói thêm.