Doanh nghiệp
Top 10 thương vụ M&A lớn nhất thế giới năm 2015
Thảo Nguyên - 27/12/2015 15:24
Năm 2015 là một năm chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) kỷ lục, với tổng giá trị lên tới 4.900 tỷ USD, phá vỡ mức kỷ lục M&A năm 2007 là 4.600 tỷ USD.

Dựa theo số liệu thống kê của Dealogic, một công ty phần mềm tài chính quốc tế của Mỹ, CNBC đã liệt kê ra 10 thương vụ M&A lớn nhất thế giới năm 2015.

1. Thương vụ giữa Pfizer và Allergan trị giá 191 tỷ USD

Đại gia dược phẩm của Mỹ Pfizer và đối tác Ai Len của họ là công ty Allergan đã công bố kế hoạch sáp nhập vào cuối tháng 11/2015. Vụ sáp nhập này có tổng trị giá lên tới 191 tỷ USD và đây là vụ M&A lớn nhất năm 2015.

2. Thương vụ giữa AB InBev và SABMiller trị giá 120 tỷ USD

Công ty sản xuất bia của Bỉ Anheuser-Busch InBev đã đạt được thỏa thuận mua tại đối thủ là công ty SABMiller của Anh vào giữa tháng 11/2015. Sự sáp nhập giữa 2 công ty đồ uống lớn nhất thế giới này sẽ thành lập nên một công ty rất lớn cung cấp 1/3 lượng bia trên thế giới.

3. Thương vụ giữa Shell và BG Group trị giá 81 tỷ USD

Công ty Royal Dutch Shell đã công bố kế hoạch thâu tóm công ty năng lượng của Anh BG vào hồi tháng 4/2015. Mục đích của vụ sáp nhập này là đa dạng hóa hoạt động của Shell nhằm nâng cao công suất sản xuất khí hóa lỏng và mở rộng hoạt động khai thác ở vùng nước sâu.

4. Thương vụ giữa Charter và Time Warner Cable giá trị 78 tỷ USD

Vào hồi cuối tháng 5/2015, nhà cung cấp băng thông rộng của Mỹ Charter Communications công bố kế hoạch sáp nhập với công ty Time Warner Cable. Thương vụ trị giá 78 tỷ USD này nhằm gia tăng khách hàng của Charter bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của công ty này ở Mỹ ra phạm vi 134.000 km2.

5. Thương vụ giữa Dow Chemical và DuPont trị giá 68 tỷ USD

Hai công ty khoa học và nông nghiệp này đã công bố kế hoạch sáp nhập vào tháng 12/2015 nhằm thành lập một đại gia trong lĩnh vực này với số vốn hóa trên thị trường là 130 tỷ USD. Trong 2 năm đầu sau khi sáp nhập, công ty mới có tên DowDuPont sẽ thành lập 3 công ty con chuyên về các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ vật liệu.

6. Thương vụ giữ Công ty Dell và EMC trị giá 66 tỷ USD

Công ty Dell đã ký một thỏa thuận thâu tóm công ty lưu trữ dữ liệu EMC hồi tháng 10/2015. Đây là vụ sáp nhập lớn thứ 2 trong ngành công nghệ theo xếp hạng của trang Fortune, chỉ sau vụ sáp nhập giữa công ty AOl và Time Warner trị giá 106 tỷ USD vào năm 2000.

7. Thương vụ giữa Công ty Energy Transfer Equity và Williams trị giá 56 tỷ USD

Công ty Energy Transfer Equity mất 1 năm để đàm phán với công ty năng lượng Williams. Lời đề nghị mua lại Williams với giá 48 tỷ USD đã bị từ chối hồi tháng 6, nhưng sau đó một thỏa thuận đã được ký kết vào cuối tháng 9. Vụ sáp nhập này sẽ lập nên một tập đoàn về cơ sở hạ tầng năng lượng lớn nhất thế giới. Hiện các bên đang chờ sự thông qua của Cơ quan Thương mại Liên bang để hoàn thành thương vụ.

8. Thương vụ giữa công ty Heinz và Kraft Foods trị giá 55 tỷ USD

Hai công ty Heinz và Kraft đã hoàn thành vụ sáp nhập vào đầu tháng 7/2015. Công ty mới được thành lập là Kraft Heinz Company, và đây là công ty thực phẩm lớn thứ 3 ở Mỹ và là công ty thực phẩm lớn thứ 5 trên thế giới tính theo doanh số hàng năm.

9. Thương vụ giữa Công ty Anthem và Cigna trị giá 48 tỷ USD

Kế hoạch sáp nhập giữa công ty Anthem Inc và công ty Cigna đã trải qua nhiều lần thẩm định sau khi công bố vào hồi tháng 7/2015. Sau khi sáp nhập, hai công ty này sẽ hình thành nên công ty bảo hiểm y tế lớn nhất nước Mỹ, với khoảng 53 triệu khách hàng. Vì họ chiếm thị phần quá lớn, nên Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ đã bày tỏ những lo ngại về khả năng độc quyền trên thị trường.

Vào tháng 12/2015, các cổ đông của hai công ty đã bỏ phiếu thông qua thương vụ sáp nhập trị giá 48 tỷ USD này. Dự kiến vụ sáp nhập này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016 sau khi các cơ quan chức đang tiến hành thẩm định.

10. Thương vụ giữa EBay và Paypal trị giá 47 tỷ USD

Vào hồi tháng 6/2015, đại gia về thương mại điện tử eBay công bố kế hoạch phân tách hoạt động với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán online Paypal mà họ đã thâu tóm từ năm 2002. Theo đó, mỗi cổ đông của eBay nhận được cổ phiếu của Paypal với tỷ lệ cứ một cổ phiếu eBay được nhận 1 cổ phiếu của Paypal. Theo xếp hạng của Thomson Reuters thì đây là vụ M&A lớn thứ 10 của năm 2015. Theo CEO của eBay John Donahoe lý do việc chia tách là để tăng khả năng cạnh tranh của hai lĩnh vực kinh doanh nhằm chuẩn bị cho những thách thức mới trong tương lai.

“Khi là các công ty độc lập, eBay và PayPal sẽ có thêm lựa chọn để theo đuổi các cơ hội hợp tác và phát triển thị trường mới,” John Donahoe nói.

Tin liên quan
Tin khác