Dự án treo vừa gây lãng phí tài nguyên đất, vừa làm mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Lê Toàn |
heo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), hiện toàn TP. HCM có 502 dự án tạm ngưng, chiếm 41,18% số dự án trên địa bàn. Nhiều dự án trong số này đã khởi động cả chục năm, nhưng vẫn “án binh bất động”.
Đánh giá về nguyên nhân các dự án đang treo, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, dự án dở dang có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp tạm dừng để đánh giá lại nhu cầu của thị trường, nhưng cơ bản nhất vẫn là do doanh nghiệp gặp khó về vốn.
Về việc xử lý các dự án treo, đại diện lãnh đạo TP. HCM cho biết, Thành phố sẽ rà soát toàn bộ các dự án, phân loại và xử lý theo đúng quy định. Chấm dứt tình trạng quy hoạch treo. Đối với dự án nhà đầu tư không có khả năng thực hiện sẽ cương quyết thu hồi.
Tại TP. HCM, không chỉ dự án của các chủ đầu tư thiếu năng lực mới bị “trùm mền”, mà cả những dự án của một số đơn vị có tiềm lực tài chính cũng bị đình trệ. Chẳng hạn, Dự án Khu công viên vui chơi giải trí đa năng Park City, quy mô 49,5 ha, được cấp phép từ năm 2008 cho Saigon Max. Đây là công ty liên doanh giữa CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Saigon Entertainment Park Holding (S) Pte Ltd (Singapore).
Tuy nhiên, từ khi được cấp phép đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động” và sự chuyển động của dự án chỉ liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty chủ đầu tư, thay tên doanh nghiệp chủ đầu tư, thêm thành viên góp vốn mới (Indochina Park City Holding 2 (Mỹ) và Indochina Park City Holding 3 (Singapore))… Đến tháng 6/2015, Park City là dự án có quy mô lớn nhất trong số 4 dự án tại Việt Nam được Quỹ IndochinaLand Holdings 2 chuyển nhượng cho Gaw Capital Partners.
Có điểm đáng chú ý, từ khi được cấp phép và được chuyển nhượng, dự án này đều nằm trong tay các tập đoàn mạnh về tài chính, nhưng sau 8 năm khởi động, hiện trạng của Dự án Park City hiện nay vẫn là khu đất đầy cỏ dại, chễm chệ tại mặt tiền Đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7).
Ngoài lỗi của chủ đầu tư, không ít dự án treo trên địa bàn TP. HCM hiện nay có vấn đề từ cơ quan quản lý và công tác quy hoạch. Đơn cử, Dự án Khu công nghiệp Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) trên diện tích 300 ha được UBND TP. HCM chấp thuận cho CTCP Đầu tư Thương mại DIC (DIC) làm chủ đầu tư từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện đồ án quy hoạch. Sau khi bị “bêu tên” cùng dự án treo này, DIC đã lên tiếng cho biết, doanh nghiệp chỉ góp vốn 10,09% trong dự án.
Theo doanh nghiệp này, năm 2011, dự án được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, nhưng 2 năm sau lại tách thành quy hoạch khu công nghiệp và khu dân cư liền kề. Tuy nhiên, do chủ trương xem xét lại việc thành lập các khu kinh tế, khu công nghiệp, nên đơn vị này đã ngừng đầu tư vào dự án cách đó nhiều năm.
Trong số hàng trăm dự án treo trên địa bàn TP. HCM, nổi bật nhất là Dự án Safari Củ Chi. Dự án này có diện tích 485 ha, tổng mức đầu tư 500 triệu USD và đã bị treo 12 năm nay. Trước thực trạng dự án bị treo nhiều năm, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP. HCM đã có chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Ông Thăng ra “tối hậu thư” thanh tra toàn diện dự án này và trong vòng 6 tháng, phải có kết quả cụ thể. Chưa đầy 1 tháng sau “tối hậu thư” trên, mới đây, Dự án Safari Củ Chi đã được UBND TP. HCM chấp thuận cho Công ty Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết theo đúng quy định để sớm triển khai dự án.
Việc xử lý dự án treo Safari Củ Chi như “phát súng khai hỏa”, cảnh báo cho tất cả các chủ đầu tư có dự án treo khác về việc Thành phố lần này sẽ “làm thật”.