Thời sự
TP.HCM áp nhiều biện pháp mạnh để thúc giải ngân đầu tư công
Trọng Tín - 20/07/2020 17:00
"Trường hợp tỷ lệ giải ngân thấp thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan".
TP.HCM phấn đấu đến tháng 10/2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn, giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95% (ảnh: Trọng Tín)

Đó là một trong những giải pháp mà ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính Phủ về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư, diễn ra vào chiều 20/7.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2020, UBND Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của Thành phố với tổng số vốn là 41.691,846 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Thành phố là 33.940,764 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 7.751,082 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15 tháng 7 năm 2020, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Đối với những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Phong cho biết, Thành phố đã chủ động ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 31/12/2019 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu theo hướng đổi mới phương thức, ứng dụng công nghệ thông tin trong bố trí kế hoạch vốn, theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân...

Đặc biệt, trong điều kiện đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Thành phố xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020, là nhân tố quan trọng giúp phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới bằng việc triến khai các giải pháp như: tổ chức giao ban định kỳ 2 tuần/lần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công; hàng tháng kiểm tra tiến độ thực địa các dự án, nghe báo cáo và tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường; Ban hành Quy trình quản lý kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm với 4 bước: đăng ký vốn, bố trí kế hoạch vốn, giải ngân vốn và quyết toán vốn nhằm quản lý chặt chẽ từng công đoạn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

“Với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, Thành phố xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi lẽ nếu Thành phố giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung”, ông Phong nói và cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2020, Thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong đó, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.

Đồng thời, duy trì thường xuyên họp giao ban công tác giải ngân đầu tư công 2 tuần/lần. Rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án và điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thúc đấy phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Ngoài ra, Thành phố cũng phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; các dự án vướng mắc về thủ tục đât đai, giải phóng mặt bằng; các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân. Từ đó, lựa chọn một số dự án trọng điếm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết để tìm hướng giải quyết.

Đặc biệt, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án; công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.

“Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10 năm 2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn, giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%”, ông Phong nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TP.HCM đã có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều mặt nên tăng trưởng chỉ ở mức 1,02% trong 6 tháng đầu năm 2020. Điều này ảnh hưởng đến Thành phố và cả nước vì Thành phố chiếm tỷ lệ GDP cao của cả nước.

Đánh giá có những việc chậm trong giải ngân đầu tư công, và trước tình hình khó khăn về tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành lắng nghe và tập trung phối hợp giải quyết các kiến nghị của TP.HCM, nhằm tránh cho các dự án bị tắc, chậm, trì trệ...

Nhấn mạnh yêu cầu không để thất thoát, tham ô, tiêu cực, lãng phí, nhưng với những dự án BT, BOT… có liên quan đến thanh toán bằng quỹ đất…, Thủ tướng cho rằng cần xem xét, nghiên cứu mở cơ chế cho TP.HCM để kinh tế Thành phố tăng trưởng vượt lên, nhất là các ngành mũi nhọn của Thành phố vào giai đoạn cuối năm cũng như các năm tiếp theo.

"Cần phải tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công để TP.HCM giải quyết việc làm, tăng trưởng cao hơn. Chúng ta không bàn trung hạn, dài hạn mà nói những vấn đề cần tập trung chỉ đạo để TP.HCM vượt lên. Trong đó có đầu tư tư nhân và nhà nước, nếu có khó khăn phải tháo gỡ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác