Điểm cuối của Dự án Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ nối vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: Lê Toàn |
15 năm chưa làm xong dự án vành đai 2
Bắt đầu xây dựng từ năm 2007, nhưng đến nay, Dự án Đường vành đai 2 TP.HCM dài hơn 64 km vẫn chưa hoàn thành, còn 14 km (chia làm 4 đoạn) chưa được xây dựng. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM giải thích, TP.HCM đã mất nhiều thời gian để lựa chọn mô hình đầu tư cho Dự án và sau khi cân nhắc nhiều phương án, Thành phố quyết định chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ khép kín tuyến đường này.
Tuy nhiên, đó chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ của Dự án Đường vành đai 2 TP.HCM. Vấn đề chính nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Không khó để nhận ra tình trạng “xôi đỗ” trong giải phóng mặt bằng Dự án. Đơn cử, đoạn dài 2,7 km từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng đang thi công thì bị tắc do không có mặt bằng. Các nhà thầu thi công không thể chờ đợi nên đã rút hết máy móc, nhân công khỏi công trường, nhiều hạng mục thi công dở dang đã xuống cấp.
Tính từ thời điểm khởi công đến nay đã 5 năm, Dự án chưa thể hoàn thành. Việc giải phóng mặt bằng theo kiểu “xôi đỗ” dẫn đến Dự án vừa chậm tiến độ, vừa tăng tổng mức đầu tư. Sau nhiều năm bị chậm trễ, đến nay, chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án tăng lên rất cao, ngân sách TP.HCM chưa bố trí được.
Ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, đoạn dài 2,7 km nêu trên được thực hiện theo hình thức BT, UBND TP. Thủ Đức đang quyết liệt triển khai dứt điểm phần bồi thường, tái định cư cho người dân. Khi có mặt bằng dự kiến, đoạn này sẽ được gấp rút thi công và hoàn thành cuối năm 2023.
Ba đoạn còn lại của Dự án Đường vành đai 2 có chiều dài hơn 11 km đang cần số vốn giải phóng mặt bằng và xây lắp khoảng 28.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 18.000 tỷ đồng. Theo ông Trực, do nhiều nguyên nhân khác nhau, TP.HCM chưa thể bố trí nguồn vốn để khép kín Dự án.
UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2022-2025 để hoàn thiện Dự án. Nếu đề xuất này được thông qua, thì TP.HCM sẽ có vốn để triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng ngay trong năm 2023, sau đó tiến hành xây lắp và dự kiến hoàn thành tuyến đường trong năm 2025.
Như vậy, nếu thực hiện đúng kế hoạch trên, thì phải mất gần 20 năm, TP.HCM mới xây dựng xong một tuyến đường dài 64 km.
Tìm giải pháp “chạy đua” giải phóng mặt bằng
Để tránh lặp lại tình trạng của Dự án Đường vành đai 2, ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường vành đai 3, TP.HCM đang tìm nhiều giải pháp để thực hiện nhanh nhất việc giải phóng mặt bằng cho dự án này.
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 7/2022, TP.HCM cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An liên tục tổ chức 2 hội nghị và nhiều cuộc họp để bàn thảo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường vành đai 3. Tại các hội nghị, vấn đề được bàn thảo nhiều nhất là giải phóng mặt bằng vì đây là khâu khó khăn và tốn kém nhất tại Dự án, với khoảng 41.600 tỷ đồng, chiếm hơn 55% tổng mức đầu tư giai đoạn I của Dự án (75.378 tỷ đồng).
Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá, khâu giải phóng mặt bằng quyết định hơn 50% khả năng thành công của dự án. Để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, khi chưa chọn nhà thầu tư vấn, TP.HCM có thể tham khảo nghiên cứu tiền khả thi để tạm thời duyệt ranh giới giải phóng mặt bằng, tính toán ứng trước vốn để bố trí tái định cư cho người dân.
“TP.HCM nên lập ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án này, với các thành viên là đại diện nhiều ngành có liên quan như điện, nước… để cùng phối hợp làm đồng bộ”, ông Đức nói.
Đề xuất giải pháp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM kiến nghị, đối với các hộ dân đủ điều kiện được bố trí tái định cư, thì hỗ trợ họ nhận nhà, đất tái định cư sớm. UBND TP.HCM sẽ phê duyệt giá tái định cư trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ người dân.
Đối với trường hợp nhận tái định cư bằng nền đất, giao Hội đồng bồi thường của Dự án tạm ứng một phần tiền bồi thường cho người dân xây dựng nhà mới. Cơ quan chức năng phải giám sát tiến độ xây dựng nhà để đảm bảo số tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích. Hộ dân phải cam kết sử dụng tiền tạm ứng để xây dựng nhà mới, thời gian xây dựng không quá 6 tháng và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Tại các cuộc họp về Dự án Đường vành đai 3, nhiều ý kiến đề xuất, chỉ cần giải phóng mặt bằng đạt 70% là khởi công dự án. Ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, lẽ ra khi có quy hoạch dự án thì phải giải phóng mặt bằng ngay để tránh tình trạng dự án khởi công xong lại phải chờ mặt bằng, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, đội vốn.
Chung quan điểm với chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, đường vành đai 3 được quy hoạch từ năm 2011, nếu giải phóng mặt bằng một lần ngay sau khi có quy hoạch, thì chi phí sẽ rẻ và hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu không giải phóng mặt bằng một lần thì tới lúc đầu tư lên 6-8 làn xe, sẽ rất khó khăn vì chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, thời gian kéo dài.
Theo tính toán của Sở Tài Nguyên - Môi trường TP.HCM, giai đoạn 2021-2025, Trung ương dự kiến bố trí cho TP.HCM khoảng 18.000 tỷ đồng, Thành phố có thể cân đối thêm 1.000 tỷ đồng từ vốn địa phương. Như vậy, ngân sách địa phương vẫn còn thiếu hơn 6.600 tỷ đồng bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng Dự án Đường vành đai 3. Đây là bài toán rất nan giải với TP.HCM, nếu không sớm tìm được giải pháp, Dự án sẽ lại đi vào “vết xe đổ” của Dự án Đường vành đai 2.
Tiến độ dự án vành đai 3: từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023 giải phóng mặt bằng đạt tối thiểu 70% - tháng 3/2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng - tháng 6/2023 khởi công dự án - năm 2024 thi công - tháng 10/2025 thông xe - tháng 6/2026 hoàn thành toàn bộ dự án.