Điểm nóng
TP.HCM chỉ ra hàng loạt khe hở trong phòng, chống tham nhũng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước
Ngô Nguyên - 26/12/2024 19:27
Từ thực tế phòng chống tham nhũng suốt 5 năm, UBND TP.HCM cho rằng các quy định về phòng, chống tham nhũng còn nhiều khe hở, đặc biệt là đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Thiếu quy định thanh kiểm tra chống tham nhũng với doanh nghiệp

Theo UBND TP.HCM, 5 năm , qua công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, TP. HCM đã phát hiện, xử lý kỷ luật 14 vụ/16 trường hợp sai phạm liên quan hành vi tham nhũng; phát hiện và xử lý 4 vụ/19 người có liên quan hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra.

Cùng với đó, ngành Công an TP. HCM đã thụ lý điều tra 211 vụ, 562 bị can về các tội danh tham nhũng; đề nghị truy tố 132 vụ, 453 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố đã đưa ra xét xử 133 vụ án/257 bị cáo. Trong đó, có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP. HCM theo dõi chỉ đạo.

Dù vậy TP.HCM cho rằng, một số quy định pháp luật, chủ trương chính sách về phòng chống tham nhũng tiêu cực chưa có hoặc chưa kịp điều chỉnh để phù hợp với vấn đề phát sinh trong thực tiễn. 

Đại án Trương Mỹ Lan-Vạn Thịnh Phát được xem là vụ án có hành vi tham nhũng khu vực tư nhân lớn 


Đơn cử là vấn đề chưa có quy định về trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-TTCP ngày 1/7/2024 quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Nhưng trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có sự khác biệt lớn so với khu vực công.

Cụ thể, trình tự, thủ tục về xử lý vi phạm khi thanh tra phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm chưa được quy định cụ thể; chưa có quy định về phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trong cung cấp, chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp; phối hợp trong áp dụng các biện phảp xử lỷ trong kinh doanh; chưa có quy định về thẩm quyền của các cơ quan thanh tra đối với từng loại hình doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, nhất là thẩm quyền của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính và theo ngành, lĩnh vực.

Luật vẫn còn nhiều kẽ hở 

UBND TP.HCM còn cho rằng, Bộ luật Hình sự 2015 quy định 7 tội danh về tham nhũng trong khi Luật Phòng chống tham nhũng  2018 lại quy định 12 hành vi tham nhũng. Do đó, 5 hành vi còn lại của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn thiếu chế tài để xử lý, lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn và kẽ hở trong quá trình vận dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.

Mặt khác, hiện nay, theo Luật phòng, chống tham nhũng  2018, cơ quan kiểm soát tài sàn, thu nhập ở địa phương chi có Thanh tra cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo Quy định 56-QĐ/TW ngày 8/2/ 2022 cùa Bộ Chính trị, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập gồm có Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy, quận, huyện ủy  và quy dinh về đối tượng kiểm soát khác với Luật phòng, chống tham nhũng 18.

Bên cạnh đó, Luật phòng, chống tham nhũng quy định các hình thức xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực như: bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử đại biểu Quôc hội,  Hội đồng nhân dân, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc .v.v nhưng lại chưa có hình thức xử lý đôi với tài sản thu nhập tăng thêm được xác minh, giải trình không trung thực, hợp lý vê nguồn gốc hình thành.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) nhận hối lộ  5,2 triệu USD


 Hiện nay cũng chưa có quy định pháp luật nào hướng dẫn cách xác định "tính chất, mức độ vi phạm" theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng, để áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính người vi phạm.

 Đồng thời, các quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có quy định cụ thể về các hành vi tham nhũng bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng và cho công tác triển khai, thi hành Luật phòng, chống tham nhũng 2018.

Đó là chưa nói, chưa có quy định về việc xử lý hành chính đối với hành vi tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

...và chồng chéo

UBND TP.HCM còn cho rằng, quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước còn chồng chéo, trùng lắp.

Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 20 của Luật phòng chống tham nhũng 2018 quy định người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tổ chức, đơn vị không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy đinh (không nêu rõ là trong thời gian đương nhiệm hay sau khi thôi chức vụ).

Tuy nhiên, Điều 23 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP có quy định thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành các mô hình kinh tế trên.

Trong khi đó, Luật Hợp tác xã năm 2023, Luật Doanh nghiệp năm 2020 lại chưa có quy định cấm người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân... sau khi thôi chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước.

TP.HCM kiến nghị cần thể chế hóa các nội dung, chủ trương của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Ban hành thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập; Sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, đảm bảo sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

Tin liên quan
Tin khác