Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X đang diễn ra, UBND TP.HCM cho biết việc triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù) có hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực.
Nghị quyết 54 đã cho phép Thành phố thực hiện nhiều cơ chế thông thoáng, trong đó cho phép Thành phố được hưởng 50% khoản tiền từ việc thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị trung ương trên địa bàn Thành phố.
Nhưng hơn 4 năm qua, Thành phố không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở Thành phố, do đó, Thành phố chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố.
Kể từ khi Nghị quyết số 54 được thi hành, chỉ có 2 cơ sở nhà, đất thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cả hai địa chỉ nhà đất này thuộc Viện Cơ học và Tin học ứng dụng (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam). Cụ thể, số 547 đường Hồng Bàng, phường 14, quận 5 (diện tích đất 61,5m², diện tích sàn sử dụng 183m²) và số 185/4 đường Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (diện tích đất 76,8m², diện tích sàn sử dụng 386,4m²).
Nhưng đến nay, hai địa chỉ nêu trên vẫn chưa thực hiện được việc bán. Do đó, Thành phố chưa phát sinh 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý theo quy định tại khoản 9 Điều 5 Nghị quyết số 54/2017/QH14.
UBND TP.HCM cho rằng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển Thành phố trong giai đoạn tới. Ảnh: Trọng Tín |
Việc bán tài sản công chưa thực hiện được, trong đó có nguyên nhân các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Trung ương chưa chủ động phối hợp thực hiện. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (trong đó có phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất) phụ thuộc vào việc kê khai, lập phương án xử lý của các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trường hợp các đơn vị trên có cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng thì mới đề xuất phương án chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; báo cáo Bộ Tài chính để xem xét, phê duyệt. Việc triển khai thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo phương án phê duyệt của Bộ Tài chính do các cơ quan, đơn vị, quản lý nhà, đất thực hiện.
Về nguyên nhân chưa thể bán hai địa chỉ nhà đất thuộc Viện Cơ học và Tin học ứng dụng, UBND Thành phố cho rằng là do Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ chưa quy định cụ thể thời điểm xác định giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá.
Ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP đã quy định cụ thể thời điểm xác định giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá. Tuy nhiên, lúc này Quyết định số 1072/QĐ-BTC ngày 4/7/2018 của Bộ Tài chính phê duyệt phương án bán đấu giá của 2 nhà đất nêu trên đã hết hiệu lực thi hành (quá 24 tháng kể từ ngày ban hành quyết định).
UBND Thành phố cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Trung ương đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Thành phố đã chủ động kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép Thành phố được tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các các Bộ, ngành, các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc trung ương.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng “kiến nghị của UBND TP.HCM là chưa phù hợp quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ” và Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Thành phố thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.