Theo đó, Tổ tư vấn gồm 8 thành viên do Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright làm Tổ trưởng; Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, trường Đại học Quốc gia TPHCM làm Tổ phó.
Tổ Tư vấn có nhiệm vụ, quyền hạn như trên cơ sở diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể cho Chủ tịch UBND TP.HCM.
Từ đó, Thành phố sẽ chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.
Đồng thời, Tổ tư vấn này sẽ được mời tham gia các buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và được mời dự một số cuộc họp cần thiết có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế cho Thành phố.
Thêm vào đó, Tổ tư vấn được cung cấp thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh; phối hợp với Trung tâm phân tích dữ liệu của TP để chuẩn hóa dữ liệu và hoàn thiện hệ thống dữ liệu liên quan.
Trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm nêu trên, Tổ Tư vấn được yêu cầu về việc bảo đảm tính độc lập, khách quan, khoa học và chịu trách nhiệm về những nội dung, ý kiến tư vấn, đề xuất của Tổ.
Ngoài ra, thành viên Tổ tư vấn tuân thủ các quy định về phát ngôn; tuân thủ các quy định về bảo mật những nội dung được yêu cầu tư vấn, tham mưu cho Ban Chỉ đạo; không được cung cấp thông tin, tài liệu rộng rãi có liên quan trong quá trình tư vấn; cũng như thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Văn phòng Uỷ ban có trách nhiệm bố trí điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cần thiết để Tổ tư vấn thực hiện tốt nhiệm vụ.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho lực lượng chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại Thành phố Thủ Đức khu vực II (Ảnh: Văn Tùng - Trung tâm Y tế Thủ Đức). |
Tính từ 19 giờ ngày 27/7 đến 6 giờ ngày 28/7, TP.HCM ghi nhận thêm 2.115 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 28/7.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 74.800 trường hợp mắc Covid-19.
Nhằm đảm bảo công tác cung ứng hàng thiết yếu cho người dân, bên cạnh các hình thức đang thực hiện, Liên hiệp HTX thương mại TP (Saigon Co.op) có thêm phương án phối hợp thực hiện đặt mua chung và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các khu vực dân cư phong tỏa, cách ly y tế.
TP Thủ Đức, quận - huyện cử đầu mối tiếp nhận nhu cầu của người dân theo khu vực phong tỏa y tế và tổng hợp thành một đơn hàng chung.
Sau đó chuyển cho các đầu mối được chỉ định của Saigon Co.op để tổ chức giao hàng chung cho các đơn vị phân chia đơn hàng cho từng cá nhân/ hộ gia đình trong các khu dân cư cách ly, phong tỏa y tế.
Để hạn chế người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân nhưng vẫn đảm bảo phục vụ trong trường hợp cần thiết, một số xe taxi thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (nhãn hiệu Mai Linh) và Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (nhãn hiệu Vinasun) sẽ được Sở Giao thông vận tải cấp Giấy nhận diện có mã QR (thời hạn đến hết ngày 01/8) hỗ trợ cho hoạt động đưa đón người dân đến, đi từ các trung tâm cách ly thông qua sự điều động của ngành y tế; vận chuyển người dân từ nhà đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc ngược lại; vận chuyển người dân từ nhà đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hoặc ngược lại.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát với chủng vi-rút Delta diễn biến nhanh, khó lường, với mục tiêu ngăn chặn tối đa số ca nhiễm mới, hạn chế tối đa số trường hợp tử vong, Thành phố kêu gọi sự hợp tác của người dân, tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng chung sức, gánh vác, sẻ chia với Thành phố trong công cuộc chống dịch, thực hiện tuyệt đối nguyên tắc “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và luôn tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế.