Thời sự
TP.HCM đã và đang chuẩn bị như thế nào để áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 9/7?
Thị Hồng - 07/07/2021 20:57
UBND TP.HCM phân giao hàng loạt nhiệm vụ cụ thể cho các Sở ban ngành để việc áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng theo Chỉ thị số 16 từ ngày 9/7/2021 hiệu quả.

Theo một số nội dung chỉ đạo tại buổi họp về công tác chuẩn bị triển khai Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND. TP.HCM cho rằng, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, TP.HCM xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa.

Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh, cần xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch. Đó là áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ 15 ngày trên địa bàn Thành phố từ 0 giờ ngày 9/7/2021.

Trên tinh thần đó, Thành phố yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện tích cực chuẩn bị hàng loạt công việc. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kêu gọi người dân Thành phố bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và Thành phố (Nguồn: TTBC).

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch, để đạt kết quả cao nhất; Đồng thời thông tin rõ cho người dân các các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác. 

Về hàng hóa, hiện nay, Thành phố đã tạm ngưng hoạt động 03 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch nhưng chuỗi cung ứng hàng hóa của Thành phố vẫn được duy trì ổn định. 

Sở Công thương TP.HCM được giao đẩy mạnh tổ chức 5 hoạt động chính.

Thứ nhất, tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh,…), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng.

Thứ hai, yêu cầu tiểu thương và thương nhân tại 03 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các chành vựa, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống.

Thứ ba, tổ chức kích hoạt Chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và đúng giá cho người dân. 

Thứ tư, phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống gồm 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị Mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương. 

Thứ năm, gia tăng các giải pháp mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn; Đồng thời, tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến. 

Riêng hệ thống Saigon Co.op hiện đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng, phục vụ nhu cầu người dân.

Về hoạt động giao thông vận tải, TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải chuẩn bị tổ chức triển khai hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô, trừ trường hợp vận chuyển cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… và một số phương tiện taxi chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết.

Đồng thời, tạm ngừng hoạt động xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe hai bánh truyền thống (xe ôm) vận chuyển hành khách.

Phối với Sở Giao thông vận tải các tỉnh trong khu vực trong việc tổ chức giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt. 

Cùng với đó, cần chủ động làm việc để kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi, đến TP.HCM và thống nhất yêu cầu đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển TP.HCM. 

Tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên bắt buộc phải có giấy xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính trước ngày rời bến một ngày và không được lên bờ.

Sở Nội vụ được giao nhiệm vụ chuẩn bị phương án thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn Thành phố. 

Đồng thời, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người sử dụng lao động sử dụng công nghệ thông tin và làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác mới đến làm việc tại công sở. 

Số lượng làm việc tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan quyết định nhưng không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị. Riêng lực lượng vũ trang và y tế đảm bảo 100% quân số.  

TP.HCM tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh trong khu vực trong việc tổ chức giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt. 

Về phòng, chống dịch, TP.HCM giao Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian 15 ngày Thành phố thực hiện Chỉ thị số 16.

Trong đó, lưu ý một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình 5 bước của Thành phố (xác định các mốc dịch tễ; bộ phận điều phối truy vết; triển khai truy vết F1; rà soát và hoàn tất danh sách F1; tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm). 

Đồng thời, thành lập 22 Đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương và giao quyền chỉ đạo Đội truy vết này cho các địa phương.

Thứ hai, tăng cường năng lực xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân, người lao động có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn Thành phố. 

Ngoài ra, cần phát huy hiệu quả Trung tâm Điều phối xét nghiệm của Thành phố và Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao và các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung. 

Cùng với đó, thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất. 

Thứ tư, triển khai Kế hoạch điều trị 10.000 -20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 03 cấp điều trị theo mô hình tháp 03 tầng của Bộ Y tế, cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện trung tâm thành phố),…

Hiện nay số ca nhiễm tăng nhanh, tuy nhiên nguồn lực Thành phố vẫn đảm bảo, Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh và luôn đảm bảo hàng hóa phong phú dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống. 

Do đó, TP.HCM đề nghị người dân không cần mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và Thành phố. 

Đây là lúc phát huy hơn nữa tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”; đồng thời ủng hộ, cảm thông khi Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh theo Chỉ thị số 16 từ ngày 9/7/2021.

Tin liên quan
Tin khác