Theo đó, các cơ quan, đơn vị được giao xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ; tổ chức thực hiện theo phân công và tiến độ quy định tại Quyết định số 4541/QĐ-UBND ngày 15/10/2018 của Chủ tịch UBND TP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Chậm nhất đến tháng 6/2019, 100% sở, ban, ngành, UBND quận-huyện, phường-xã, thị trấn hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, nhiệm vụ của bộ phận một cửa, hướng tới thực hiện toàn bộ quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả tại bộ phận này đối với những thủ tục hành chính phổ biến và có số lượng hồ sơ phát sinh lớn.
Các cơ quan, đơn vị cũng cần chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính, xác lập các cơ chế kiểm soát quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả để hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần; khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hạn; thực hiện nghiêm quy định về Thư xin lỗi; giải quyết dứt điểm, kịp thời các trường hợp phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện đánh giá việc giải quyết thủ tuc hành chính và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp.
Nhằm đảm bảo đồng bộ trong toàn hệ thống và tránh chồng chéo, lãng phí trong đầu tư, UBND TP cũng chấp thuận tạm dừng mở rộng, xây dựng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục được duyệt.
Việc mở rộng danh mục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sẽ được thực hiện sau khi xây dựng, triển khai và vận hành cổng dịch vụ công TP, hệ thống một cửa điện tử theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.
Trong thời gian này, các sở, ban, ngành, UBND quận-huyện cần tiếp tục duy trì các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đang cung cấp, đồng thời áp dụng các giải pháp để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến.
Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận-huyện quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức về tình hình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong xây dựng, phát triển hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, trong đó đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính; xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính.