Cụ thể, Đối với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao Thành phố, công viên Phát triển phần mềm Quang Trung, quy trình này gồm các bước.
Bước 1, doanh nghiệp nộp phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất cho ban quản lý.
Bước 2, ban quản lý tổng hợp danh sách và lên kế hoạch thẩm định.
Bước 3, đoàn thẩm định gồm HCDC và các đơn vị phối hợp thẩm định. Trong đó HCDC thẩm định nơi ở tập trung, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định. Các cơ quan phối hợp sẽ thẩm định về điều kiện tổ chức nơi ở tập trung, hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy...
Bước 4, đoàn công tác lập biên bản, nói rõ doanh nghiệp đạt hay không đạt, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục thiếu sót.
Doanh nghiệp tại TP.HCM muốn hoạt động phải trải qua 4 bước thẩm định (Ảnh: TTXVN) |
Tương tự, đối với các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp, việc thẩm định cũng trải qua 4 bước như trên. Song việc đăng ký phương án sản xuất, lưu trú sẽ nộp cho UBND quận, huyện, TP Thủ Đức.
Với các doanh nghiệp có trên 1.000 lao động, bên cạnh sự tham gia thẩm định của các trung tâm y tế quận, huyện thì còn có sự tham gia của HCDC.
Trường hợp doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án vừa sản xuất vừa lưu trú có nhu cầu tăng người hoặc rút người, chỉ cần làm xét nghiệm người lao động, riêng với việc tăng người có điểm mới là doanh nghiệp phải có "khu lưu trú tạm thời" nằm bên ngoài doanh nghiệp.
Cụ thể, nếu người lao động không tiếp tục ở lại khu lưu trú, doanh nghiệp gửi công văn kèm danh sách, kết quả xét nghiệm âm tính đến ban quản lý nếu ở trong khu công nghiệp hoặc trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức.
Nếu muốn tăng thêm lao động, doanh nghiệp phải có khu lưu trú tạm thời bên ngoài doanh nghiệp và để người lao động lưu trú tại đó trong 3 ngày. Đơn vị xét nghiệm đủ điều kiện của Sở Y tế xét nghiệm ngày thứ nhất và ngày thứ 3, nếu âm tính mới được đưa vào doanh nghiệp.
Thông tin trước đó tại buổi họp báo diễn ra ngày 21/7, ông ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, sau khi TP.HCM có chủ trương sản xuất an toàn theo 2 phương án đó là “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”, Hepza đã nhận 618 hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn theo các tiêu chí trên.
Hepza đã phối hợp với Sở Y tế, Công an và chính quyền địa phương thẩm định. Đến ngày 21/7 có 479/1.412 doanh nghiệp trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp (KCX-KCN) được kiểm tra. Trong số này chỉ cho phép 414 doanh nghiệp được hoạt động, 65 doanh nghiệp không đủ điều kiện an toàn để hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các phương án sản xuất an toàn, nhiều người lao động ban đầu đồng thuận nhưng vài ngày sau thấy điều kiện ở lại trong doanh nghiệp khó khăn hơn nên đăng ký không tham gia nữa và muốn ra ngoài.
Hepza đã yêu cầu nếu người lao động muốn ra ngoài, hoặc doanh nghiệp muốn bổ sung lao động từ bên ngoài vào để thay thế cũng phải đảm bảo quy định an toàn về y tế. Một tình huống khác phát sinh là chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với người lao động; vấn đề này đã được Hepza chấn chỉnh.
“Trong thời điểm hiện nay, an toàn phòng chống dịch là trên hết nên Hepza quán triệt tất cả các đơn vị phải tuân thủ quy định của ngành y tế. Không hạ thấp các tiêu chí an toàn để giúp doanh nghiệp hoạt động”, ông Trực chia sẻ.
Đại diện Hepza cho biết thêm, trong quá trình triển khai đã phối hợp với HCDC và quận huyện tổ chức lấy mẫu tầm soát định kỳ và phát hiện có một số doanh nghiệp phát sinh ca dương tính, sau đó xử lý theo quy định của ngành y tế. Tính từ ngày 15/7 đến ngày 21/7, số ca phát hiện trong KCX-KCN giảm so với trước, bình quân 30 ca/ngày, tất cả đều được xử lý triệt để.