Tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.HCM diễn ra vào sáng nay, UBND Thành phố đã trình Dự thảo Nghị quyết quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.
Việc tham mưu HĐND Thành phố ban hành nghị quyết này là cần thiết, phù hợp theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Các lĩnh vực được Thành phố ưu tiên là: Thương mại điện tử; Công nghệ tài chính; Logistic; Công nghệ giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp công nghệ cao; Phát triển bền vững; Chuyển đổi số; An ninh mạng.
Dự án được tuyển chọn dựa theo các tiêu chí về tính sáng tạo, năng lực tổ chức thực hiện, hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội, thị trường tiềm năng, ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh.
Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM được khởi công từ năm 2020 và đang ở giai đoạn hoàn thành. Ảnh phối cảnh |
Hỗ trợ đến 400 triệu/dự án được tuyển chọn
Theo tờ trình, chính sách hỗ trợ không hoàn lại chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo được thiết kế dành cho các dự án theo 3 giai đoạn gồm: tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc.
Theo đó, mức hỗ trợ dự án ở giai đoạn tiền ươm tạo là 40 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng/dự án.
Nội dung hỗ trợ bao gồm: tiền công lao động trực tiếp cho cá nhân, nhóm cá nhân thực hiện dự án là 10 triệu đồng; 30 triệu đồng còn lại là hỗ trợ chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, chi phí sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
Theo UBND Thành phố, thực tiễn triển khai các hoạt động hỗ trợ trong giai đoạn tiền ươm tạo trong giai đoạn 2016 - 2022 cho thấy hầu hết các dự án ở giai đoạn này phải được được tuyển chọn thông qua các cuộc thi, các chương trình ươm tạo hoặc các hoạt động tuyển chọn từ các trường Đại học, cao đẳng hoặc các trung tâm ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Chi phí cho các hoạt động này giao động từ 400 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng tùy theo quy mô các chương trình hoặc cuộc thi. Do đó, đề xuất chọn mức thấp nhất là 400 triệu đồng, nếu chia bình quân trên số lượng dự án được tuyển chọn (trung bình chọn được khoảng 10 dự án từ các cuộc thi/ chương trình này) thì chi phí hỗ trợ cho 1 dự án khoảng 40 triệu đồng.
Đối với mức hỗ trợ dự án ở giai đoạn ươm tạo là 80 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án.
Nội dung hỗ trợ bao gồm: Tiền công lao động trực tiếp cho cá nhân, nhóm cá nhân thực hiện dự án là 30 triệu đồng; 50 triệu đồng còn lại để hỗ trợ chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, chi phí sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
UBND Thành phố cho rằng các dự án ở giai đoạn ươm tạo phần lớn đang trong quá trình phát triển sản phẩm/dịch vụ/giải pháp để ra được sản phẩm mẫu đầu tiên, hoàn thiện mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm ra thị trường.
Đây là giai đoạn quan trọng trong việc định hướng sản phẩm cụ thể của dự án, cũng là giai đoạn cần liên kết chặt chẽ với các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như chuyên gia, thị trường, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, mạng lưới doanh nghiệp, hệ thống phòng thí nghiệm,…
Riêng với mức hỗ trợ dự án ở giai đoạn tăng tốc với mức 400 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án. Ưu tiên cho các dự án có đối ứng từ các nhà đầu tư khác.
Nội dung hỗ trợ bao gồm: Tiền công lao động trực tiếp cho cá nhân, nhóm cá nhân thực hiện dự án là 150 triệu đồng; 250 triệu đồng còn lại là hỗ trợ chi phí thuê chuyên gia; chi phí sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
Thành phố nhìn nhận ở giai đoạn này, các dự án hầu hết đã có sản phẩm/dịch vụ hoàn thiện, một số dự án đã có khách hàng và đang có nhu cầu mở rộng thị trường, gọi vốn đầu tư mạo hiểm.
Mục tiêu hỗ trợ các dự án trong giai đoạn tăng tốc là giúp cho sản phẩm/dịch vụ của các dự án được tối ưu hóa ở mức tốt nhất và phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu, đây cũng là giai đoạn hỗ trợ để các dự án đủ điều kiện tiếp cận được các tiêu chí khắt khe của các nhà đầu tư, bắt đầu thành lập doanh nghiệp và sẵn sàng chia sẻ cổ phần.
Điều kiện hỗ trợ từ ngân sách nhà nước Thành phố tại thời điểm đăng ký dự án chưa nhận được bất kỳ nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước Thành phố cho tất cả các giai đoạn.
Chi 210 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2028
UBND Thành phố cho biết kinh phí bảo đảm cho các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thành phố được chi từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố với nguồn kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2023 – 2028 là 210 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với giai đoạn tiền ươm tạo, hiện tại, Thành phố có khoảng hơn 25 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thường xuyên triển khai các hoạt động tiền ươm tạo.
Thông qua các cuộc thi/chương trình ươm tạo của các cơ sở này, sẽ chọn 8 -12 dự án để hỗ trợ tiền ươm tạo, nếu tính số lượng đơn vị đăng ký tổ chức hỗ trợ cho các dự án tiền ươm tạo trong 1 năm khoảng 25 cơ sở ươm tạo thì số lượng dự án được lựa chọn tương đương khoảng 250 dự án/năm. Tính kinh phí trong 5 năm sẽ là 50 tỷ đồng.
Đối với giai đoạn ươm tạo, hiện Thành phố có khoảng hơn 25 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tư nhân và nhà nước thường xuyên thực hiện các cuộc thi tuyển chọn và hỗ trợ cho các dự án trong giai đoạn ươm tạo hoặc tiếp tục sàng lọc các dự án ở giai đoạn tiền ươm tạo để hỗ trợ, tỷ lệ sàng lọc qua giai đoạn tiền ươm tạo dự kiến đạt 60%, tương đương 150 dự án/năm. Tính kinh phí trong 5 năm sẽ là 60 tỷ đồng.
Đối với giai đoạn tăng tốc, các dự án trong giai đoạn này được hỗ trợ với mục tiêu giúp dự án hoàn thiện mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và gọi vốn đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.
Quy trình xem xét hỗ trợ đối với mỗi dự án sẽ được thông qua các tổ chức trung gian theo hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ theo các quy định hiện hành. Với chính sách hỗ trợ này dự kiến số dự án được hỗ trợ ở giai đoạn tăng tốc bình quân khoảng 50 dự án/năm. Tính kinh phí trong 5 năm sẽ là 100 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kinh phí dự kiến triển khai chính sách này trong 5 năm tiếp theo là 210 tỷ đồng.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững và có lợi thế cạnh tranh trong khu vực là chiến lược dài hạn của Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng, theo đó, nền tảng và giá trị cốt lõi cho hệ sinh thái phải xuất phát từ các kết quả nghiên cứu khoa học bài bản được thương mại hóa và chuyển giao từ trường đại học ra ngoài xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu này, Thành phố cần có lộ trình chính sách lâu dài, vì vậy việc đề xuất chính sách hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố là chính sách ban đầu cho lộ trình dài hạn này đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố.
Chính sách này tập trung chủ yếu cho việc phát triển các dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ trường đại học (hầu hết tại Trường đại học là các dự án chưa đến giai đoạn thành lập doanh nghiệp). Đây là chính sách thúc đẩy ban đầu để tạo nền tảng cơ bản cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lâu dài cho Thành phố.